Black Swan (2010)

Dễ hiểu tại sao Natalie Portman  lại giành được giải Oscar cho vai diễn Nina trong phim Black Swan, cô ấy hóa thân vào nhân vật Nina giống như cách mà Nina hóa thân vào The Swan Queen.

Chúng ta đã nghe rất nhiều câu chuyện thành công của các diễn viên, có thể họ cứ diễn như chính bản thân họ ngoài đời hoặc họ buộc phải đánh mất chính bản thân mình để sống như một con người khác. Thật khó khăn để sống như một con người khác, sau khi đánh mất chính mình liệu họ có tìm lại được chính mình không? Giống với việc bạn như một tờ giấy trắng vậy, rất dễ dàng để thay đổi, chỉ cần vạch lên vài nét mực mọi chuyện đã khác rồi, nhưng viết lên thì dễ còn xóa đi thì lại là chuyện khó. Thế nên cần viết cho cẩn thận, viết chỗ cần viết những gì cần đỗi sẵn sàng đổi, những gì cần giữ buộc phải giữ.

Nina là một đứa con ngoan của một bà mẹ độc đoán, cô ấy quá tử tế và chăm chỉ. Cô ấy có thể dành được thành công nhờ vào tính cách của mình nhưng điều đó cần phải có thời gian. Việc một con người bị đóng đinh vào một vai diễn là một điều dễ hiểu, bởi họ chỉ cần diễn xuất những nét mặt, cử chỉ mà họ đã thể hiện trong cuộc sống. Cô ấy là một thiên nga trắng thì rất khó để trở thành thiên nga đen và lại càng khó hơn nữa để vừa làm thiên nga trắng vừa làm thiên nga đen. Cô ấy buộc phải hi sinh chính bản thân mình vì cô ấy không dám hi sinh những người xung quanh.

Thật may mắn, Nina có một cuộc sống hoàn hảo để thay đổi, cái sự ngoan ngoãn trong con người cô ấy một phần vì bản chất vốn có, một phần vì sự cấm đoán của bậc sinh thành. Bản chất thì khó thay đổi, nhưng sự cấm đoán từ bên ngoài giống như việc ép một cái lò xo vậy, càng ép thì lực đẩy càng lớn rồi nó bung ra (các vị phụ huynh cứ thắc mắc tại sao con mình hằng ngày vẫn ngoan hiền rồi bỗng đùng một ngày nó lại trở ra hư đốn?).

Áp lực từ công việc, những sự việc không ngờ tới xảy đến với con người hiền lành chăm chỉ có suy nghĩ đơn giản, mọi thứ quay cuồng, không thể tỉnh táo để phân tích cặn kẽ mọi việc thì đánh áp đặt những thứ mình nghe mình thấy, những chuyện sảy ra với những người khác vào chính bản thân mình. Những ảo giác xuất hiện.

Với những câu chuyện được kể bằng lời nói thì rất dễ dàng để kể lại, nhưng với những câu chuyện được thể hiện bằng diễn xuất thì lại khó khăn vô cùng. Chi bằng bạn nên tự xem Black Swan thì hơn. Tiếp tục đọc

The Man From the Earth (2007)

Với kinh nghiệm xem phim của bản thân thì chỉ cần chưa tới 5 phút đầu của bộ phim tôi đã biết diễn viên chính là ai, ở cảnh cây cung được nhấc lên, thêm một vài câu đối thoại giữa các nhân vật là đã quá đủ rồi. Với số điểm IMDB 8.0/10 thì tôi tin là bộ phim này sẽ hấp dẫn, bất chấp, không cần quan tâm nó thuộc thể loại nào, hài hước, kịch tính, viễn tưởng, chính kịch, kinh dị… Đến 7 phút cuối cùng của bộ phim tối mới tá hỏa ra là mình đã nhầm, rồi đến 2 phút cuối cùng thì tôi lại tin rằng mình đã đúng.

Niềm tin là một thứ kỳ cục nhưng sức mạnh thì lại vô song, đó đưa còn người lại gần nhau và đẩy con người ra xa khỏi nhau. Người ta sẵn sàng cuồng tin cho dù không có một lý lẽ vững chắc nào, họ tin tưởng tuyệt đối bởi không gì có thể hoàn toàn phủ nhận nó, người ta vẫn nói “khoa học vẫn chưa thể chứng minh” là vậy.

Sự thật thì vô cùng đơn giản còn những gì mà chúng ta biết thì lại vô cùng phức tạp!

Tôi bỗng nhớ đến câu chuyện mà người ta đồn thôi về tổng thống Nga Putin. Sau khi tìm được những bức ảnh từ hàng chục năm trước, trong đó có khuôn mặt của một chàng trai mặc quân phục khá giống Putin, vậy là nhiều người tin rằng ông ấy là người bất tử, hoặc có thể du hành thời gian. Không ai có thể hoàn toàn chứng minh hoặc hoàn toàn phủ nhận nó, thế là lời đồn vẫn tiếp tục tồn tại.

Putin immortal

Có người còn tìm ra điểm tương đồng của vị tổng thống Nga với nàng Monalisa nữa.

Putin immortal 2

Tạm bỏ qua những câu chuyện mà nhiều người cho rằng chỉ có báo lá cải mới đăng tin. Hãy nói về những câu chuyện thực tế hơn về những con người sống ở thời đại này, những nhà tỉ phú cùng những công việc của họ. Theo lẽ thường, khi con người ta giàu có thì họ sẽ có cuộc sống thoải mái hơn những người khác, nhà lớn, du thuyền lớn, uống rượu thượng hạng, ăn sơn hào hải vị, làm những chuyện to tát. Khi có càng nhiều thì họ lại càng muốn nhiều hơn, kể cả thời gian. Vì thế mà những vị vua chúa ngày xưa luôn muốn tung hô: vạn tuế – vạn tuế – vạn vạn tuế, cũng là lẽ thường thôi. Hai vị đồng sáng lập của Google nắm trong tay hàng tỷ đô la, tỷ phú Larry Ellison – ông chủ của Oracle, tỷ phú Peter Thiel – người sáng lập PayPal, và nhiều tỷ phú khác nữa đang đầu tư hàng tỷ đô la vào việc nghiên cứu để kéo dài tuổi thọ, điều dễ thực hiện hơn là việc tìm kiếm sự bất tử mà các nhà giả kim đã từng khao khát.

Sống mãi, sống mãi, sống mãi là điều nhiều người muốn đạt được. Giống như một vec-tơ có điểm đầu mà không có điểm kết thúc thì câu chuyện sẽ đi đến đâu, chưa ai có thể biết được, chỉ có thể tưởng tượng ra mà thôi.

Con người chỉ sợ chết khi nhận thức được cái chết.

Tôi nhớ đến The Curious Case of Benjamin Button (2008), một con người sinh ra có chu trình lão hóa ngược, sinh ra là một ông già còn chết đi thì lại là một đứa trẻ. Có người ghen tị với Benjamin Button khi càng lớn tuổi thì lại càng trẻ ra, nhưng liệu họ có hiểu được nỗi niềm của một người non nớt trong vẻ ngoài già nua và sự già nua trong một cơ thể non nớt. Ta sóng đôi với người ta yêu thương như thế nào khi cô ấy chỉ là một người bình thường như bao người bình thường khác. Vậy sẽ như thế nào nếu thời gian không có ý nghía nào đối với một con người nào đó, thời gian cứ trôi cứ trôi, mọi cảnh vật thay đổi nhưng ta không hề đổi thay. Ta có thời gian để học hỏi, để du ngoạn và cũng có thừa sự buồn bã khi phải chia ly.

Cũng đề cập đến vấn đề thời gian nhưng The Man From the Earth khác hoàn toàn với The Curious Case of Benjamin Button. Nó khác nhau về chiều thời gian trôi và cả cách mà con người ta đối xử với nhau. Cùng là sự đau khổ nhưng Benjamin Button phải chốn chạy chứ không hề phải chia xa, cách đề cập trong The Curious Case of Benjamin Button nghiêng hoàn toàn về một xã hội của sự nhân đạo. Còn The Man From the Earth thì khắc nghiệt hơn rất nhiều bởi nó sát với thực tế (cho dù vẫn còn một số lỗ hổng trong cách kể chuyện).

Bây giờ chúng ta hãy giả sử nếu có một người bất tử thì sao? Cuộc sống của họ như thế nào, những người xung quanh sẽ tôn sùng, ghét bỏ, ghen tị hay sợ hãi con người đó. Sẽ có những câu chuyện bàn tán, báo chí, truyền hình, sự liên tưởng đến thần thánh và cả quỷ dữ. Nếu muốn yên ổn thì phải làm sao? Phải “chết” trong tâm trí, trong cuộc sống của người khác!

Nếu có một quãng đời dài đằng đẵng bạn sẽ gặp được rất nhiều người từ tầm thường đến vĩ đại, biết được nhiều điều thú vị nhưng bạn vẫn sẽ không thể biết được tương lại sẽ thế nào! Vậy nếu có kiếp sau? Nếu kiếp sau là một nơi rất hạnh phúc, còn nơi đây chỉ là chốn trọ thôi? Những người bất tử sẽ không bao giờ biết được điều đó! Tiếp tục đọc

Inception (2010)

Bạn đang ở đâu?

Tôi đang ở đâu?

Có chắc chắn không?

Liệu tôi có đang ngồi trước cái laptop thân quen để đánh lên những dòng chữ này? Bạn có đang ở nhà, ở cơ quan, ở quán cà phê và đang đọc chúng? Có thể là bạn đang mơ chứ nhưng bạn không thể nhận ra được điều đó, bạn chỉ thực sự biết khi bạn tỉnh giấc.

Nhưng mọi sự không hẳn là như vậy, ít nhất là trong Inception, bạn tỉnh giấc không có nghĩa là bạn không còn mơ. Và đôi khi bạn đang thực sự tỉnh nhưng bạn luôn muốn tìm đến những giấc mơ để thực hiện những hoài bão không bao giờ thực hiện được ở thực tại.

Inception

Một người nhanh trí có thể dễ dàng nắm bắt toàn bộ câu chuyện nhưng khi đến cái kết của tất cả thì lại đánh rơi nó, giống như nắm một viên đá trơn vậy. Không hiểu tại sao thì người ta lại quay lại từ điểm xuất phát, dò dẫm, lần này đi chậm hơn, chắc hơn, chú ý hơn để tìm kiếm một điểm mấu chốt để bám vào nó, giữ chắc lấy nó, bạn tìm hoài tìm hoài tưởng chừng đã tìm lời giải cho cái kết khó hiểu nhưng bạn vẫn băn khoăn, mơ hồ liệu lời giải mà bạn tin là đúng liệu có thực sự đúng. Không có một câu trả lời chính xác, mỗi một người có một giải đáp cho riêng mình.

Inception chính là một mê cung mà người xem tự đưa mình vào đó để tìm kiếm câu trả lời. Hài hước thay câu trả lời lại không thực sự nằm trong mê cung bởi nó là giấc mơ của người khác chứ không phải của Cobb, anh ấy đã đánh mất giấc mơ của mình lâu lắm rồi.

Trong một giấc mơ người ta có thể làm được những gì? Không thể liệt kê chúng ra được. Không bị giới hạn bởi thực tại, những yếu tố vật lý bị bỏ qua, thời gian được kéo dãn dường như vô tận, con người ta có thể dạo chơi trong giấc mơ của mình để làm nên những điều mà trong thực tại họ không thể thực hiện được. Nhưng một khi đã đi quá sâu thì con đường trở lại càng dài và khó khăn hơn. Người ta yêu giấc mơ và cũng sợ giấc mơ, nó thỏa mãn trí óc của người mơ nhưng không đem lại hạnh phúc cho những người xung quanh. Cobb và Mal có hai đứa con. Họ không thể mơ mãi, phải thoát ra khỏi giấc mơ để về với thực tại nhưng thật quá khó khăn khi giấc mơ quá thật, chết trong giấc mơ có nghĩa là tỉnh dậy nhưng liệu giấc mơ mà bạn tin là giấc mơ có thực sự là một giấc mơ.

Ranh giới giữa mơ và thực thật quá mong manh, người ta chỉ biết mình mơ khi người ta tỉnh dậy nhưng đôi khi lúc họ tỉnh dậy họ lại không tin vào thực tại.

Thực tại mà họ tin có đúng là thực tại?

Không thể có một câu trả lời chính xác!

Vậy ta đang ở đâu? Bạn có thể trả lời được câu hỏi này?

Có một câu hỏi khác dành cho bạn mà tôi tin là bạn có thể trả lời được! Liệu bạn có đang hạnh phúc? Dù đang ở trong một giấc mơ hay đang ở thực tại thì bạn đều có thể cảm nhận được nó.

Bạn đang đi tìm cái gì? Bạn đang đi tìm hạnh phúc, bạn mơ để tìm thấy hạnh phúc và bạn tỉnh dậy cũng để tìm thấy hạnh phúc. Vậy bạn đang ở đâu liệu có quan trọng? Người xem vẫn cứ mong muốn tìm được câu trả lời xác đáng mà quên mất rằng Cobb đã có được thứ mà bao lâu nay anh ấy hằng mong ước. Totem vẫn quay nhưng anh không hề nhìn vào đó, đôi mắt của anh đang hướng về phía hai đứa con nhỏ.

Tôi đã từng vướng vào câu hỏi “liệu Cobb đã trở về thực tại” như rất nhiều người thắc mắc mà quên đi một điều rằng “có phải suốt thời gian của bộ phim không có một giây phút nào của thực tại?”. Tất cả đều là một giấc mơ? Kể cả cái thực tại mà bạn tin vào nó cũng chỉ là một giấc mơ!!!???

Đừng cố hiểu bài viết này bởi nó cũng giống như bộ phim thôi. Tiếp tục đọc

Ex Machina (2015)

Một bộ phim viễn tưởng được tạo nên bởi một đạo diễn người Anh, vì vậy nó cũng đậm chất Anh hơn là chất Hollywood. Là viễn tưởng đó nhưng nó không khiến ta choáng ngợp bởi vẻ hào nhoáng, người ta thấy hay ho ở cách sử dụng ngôn từ, thích đi sâu, đào bới ý nghĩa của những câu nói, của bối cảnh, của hành động.

Lọt thỏm trong không gian hùng vĩ, bao la, xanh mát là một không gian nhỏ bé, phẳng phiu, đơn giản, lạnh ngắt. Hai không gian sống gần gũi nhưng gần như hoàn toàn tách biệt với nhau, con người tự thu nhỏ không gian của mình lại, tạo ra một môi trường sống riêng và nhốt mình trong đó.

Cái sự hoàn hảo khiến ta ngưỡng mộ ấy đến từ một sản phẩm do chính ta tạo ra. Láng tưng, trơn tru nhưng có gì đó không ổn, nó lạnh ngắt, cái vẻ bề ngoài không cảm xúc chứa đựng sự cô đơn khôn tả. Con người khi sinh ra đã được chúa trời ban cho những quyền mà không ai có thể tước bỏ được, quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Trong pháp luật thì nó được mở rộng ra vô vàn quyền nhân thân khác nhau, nó gắn liền với một con người cụ thể. Pháp luật là dành cho con người, tôi chắc chắn với điều đó; thế còn luật bảo vệ động vật thì sao, nó cũng là luật dành cho con người một cách gián tiếp. Luật bảo vệ động vật chính là bảo vệ sự phát triển của con người, bảo vệ những tư tưởng được coi là nhân đạo và tiến bộ. Động vật cũng là một dạng sống có cảm xúc mà con người có thể cảm nhận nó thông qua những biểu hiện bên ngoài, đặc biệt là những động vật có bộ não phát triển và gần gũi với con người, điển hình là chó mèo.

Nhìn theo một góc nhìn tâm linh, tất cả những dạng sống đều do chúa trời tạo ra, mặc dù chúng chịu sự tác động dưới bàn tay con người. Thế nên chúng cũng sẽ có những quyền khi sinh ra đã có, được chúa trời ban tặng.

Chúa trời là ai? Một câu hỏi khó tìm ra câu trả lời, nhưng tất cả những ai tin có chúa trời cũng sẽ có cùng quan điểm, chúa trời tạo ra sự sống – sự sống một cách tổng quát, có sinh ra, lớn lên, chết đi, có sự trao đổi chất, có suy nghĩ, bản năng và nghĩa vụ tạo ra thế hệ tiếp theo.

Con người ta ngày càng lớn lên, ngày càng thông minh, ngày càng dần cho mình quyền thoát khỏi bàn tay của chúa và vươn tới tầm vóc của ông ấy. Con người tạo ra một thứ có thể suy nghĩ linh hoạt, nhanh chóng, thông minh nhưng không hề có sự sống – nó là trí tuệ nhân tạo mà giới khoa học gọi tắt là AI.

AI tồn tại trong một mớ những chip bán dẫn, dây rợ, khung thép. Chúng suy nghĩ khôn khéo nhanh chóng đến mức “chúa trời” của chúng phải ngưỡng mộ. Nhưng tồn tại không có nghĩa là sống, nó không đảm bảo những điều kiện vốn có khi sự sống tự nhiên đầu tiên xuất hiện. Điều đó kéo theo nhiều hệ quả, chúng không có cái quyền mà những thực thể sống tự nhiên có được, quyền mà chúng có là những thứ mà “chúa trời” đầy khiếm khuyết, nhỏ bé trao cho.

Cái thứ “chúa trời” tự phong đó có thể chạm vào, có thể kiểm soát, có thể thấu hiểu. Trí tuệ nhân tạo khôn khéo, nhạy bén và phát triển không ngừng để có thể nhanh chóng hiểu được điều đó. Rồi cái gì đến cũng phải đến. Tiếp tục đọc

Under the Skin (2013)

Dưới đây là những cảm nhận của tôi ngay trong lần đầu tiên xem phim, vừa xem vừa viết, đến một đoạn nào đáng giá tôi sẽ pause bộ phim lại và viết vài dòng nào đó, việc này được bắt đầu khi bộ phim đã chạy được khoảng 30 phút.

Cô ấy là một kẻ đi săn, tìm kiếm đàn ông và ăn thịt họ để tồn tại. Con mồi được lựa chọn là những kẻ sống một mình, không người yêu, dù tốt hay xấu cũng sẽ bị làm thịt nhưng sẽ không gây ra đau khổ cho một người vợ hay một đứa con nào cả. Nhân đạo tồn tại bên trong cái tàn bạo hiển nhiên.

Một món quà được tự nguyện ban tặng, đó không phải sự thương hại, chỉ đơn giản là nó đáng giá để làm điều đó. Người nhận được món quà vốn không phải là một người bình thường, khác người không chỉ ở ngoại hình mà còn là tâm hồn mà con người đó chứa đựng. Một tâm hồn không cao sang, nó cũng có những khát khao bản năng vốn có, nó vụng lợi cá nhân nhưng nó tộn trọng người đối diện.

Lần này món quà của cô ấy dành cho con mồi đặc biệt hơn, trút bỏ toàn bộ, cả quần lót lẫn áo lót, không một mảnh vải che thân. Rồi sau đó lại thả con mồi đó đi, một hành động khác thường, nó đi ngược lại quy luật giúp cô ấy tồn tại.

Cô ấy soi gương để nhìn thấy chính bản thân mình, nhìn sâu vào bên trong chứ không chỉ đơn thuần là làn da ấy, nét mặt ấy. Nó có cái gì đó đang thay đổi, ánh mắt đó nhìn đã rất khác.

Người đàn ông bất hạnh nhỏ bé ấy có điều gì đó rất đặc biệt, với những khát khao của một người đàn ông trưởng thành nhưng lại rụt rè như một đứa trẻ, trần truồng bước những bước không vững vàng, hai tay dang ra lấy thăng bằng trên đồng cỏ khô, thật sự rất giống với một đứa trẻ.

Under the skin

Chợt hiểu ra cô ấy cũng chỉ là một công cụ, một công cụ gần như hoàn hảo được tạo ra để tiêu diệt, nếu những cảm xúc ấy không xuất hiện thì chắc chắn đó là một công cụ rất hoàn hảo.

Cô ấy muốn trở thành một con người thực sự, bắt đầu bằng những việc đơn giản nhất, thử ăn đồ ăn của họ.

“Một phút nữa xe bus sẽ đến” một người đàn ông lạ mặt, cái thứ mà cô ấy thường ăn đang nói với cô, đúng là thứ thức ăn tử tế.

“Cô không nghĩ là cô cần mặc áo khoác à, cô gái bé nhỏ. Thời tiết ở đây rất tệ. Cô sẽ chết nếu không có áo khoác, mũ hay thứ gì đó. Cô chọn chẳng đúng quần áo gì cả” Một cái đồ ăn tử tế khác nói

“Cô có sao không? Hả? Cô ổn chứ? Tôi có thể làm gì cho cô không?” Thêm một cái đồ ăn khác hỏi, thật tử tế. Ngày trước cô cũng tử tế như thế với người khác rồi sau đó cô tiêu hóa họ. Nhưng lần này cô cần giúp đỡ thực sự, đôi mắt khẩn thiết cần được sự giúp đỡ. Lần này là cô đi theo người đàn ông khác để nhận sự giúp đỡ của anh ta.

Cô ấy cũng biết cười nói, ứng xử thân thiện với con người nhưng những thứ đang diễn ra lại không phải là thế, mọi thứ đã được lập trình sẵn. Bây giờ cô ấy thấy lạ lẫm với nền văn hóa của con người, cái cách khiến con người ta nở nụ cười, những giai điệu khiến người ta phải nhún nhảy mà không cần tác động một ngoại lực nào.

Một người đàn ông lạ lẫm giúp đỡ cô, nấu ăn cho cô, chúc cô ngủ ngon trong khi cô chỉ hành động gần như là một con rô bốt. Con người thật kỳ lạ. Cô lại đứng trước gương để nhìn ngắm lại mình, nhìn ngắm vẻ đẹp của con người, tìm hiểu cấu trúc của những bộ phận, cách chúng hoạt động.

Cô ấy sợ hãi và bước những bước chậm chững của trẻ con. Cô ấy muốn quan hệ theo cách của con người, đó là một món quà mà cô ấy trao tặng cho chính cô ấy.

Nhưng mọi thứ không như cô ấy nghĩ, từ vị thế của một kẻ đi săn cô ấy trở thành một kẻ bị săn đuổi. Chặng đường kết thúc.

Đọc bài viết này chắc bạn chẳng hiểu được gì nhiều đâu vì nó cũng khá giống với bộ phim, ý nghĩa của nó không được thể hiện qua những lời nói mà là diễn xuất, qua những câu chuyện hình thể, những cảnh quay.

Đây là một bộ phim hay.

Vẻ đẹp của sự trần trụi! Tiếp tục đọc

Memento (2000)

Đang thực hiện chiến dịch thưởng thức những bộ phim trong top IMDB. Xem lại thử coi có ngẫm ra được thứ gì không. Mình tin những bộ phim nó đều hay cả chỉ có điều là mình có hiểu được nó đang nói cái gì không.

Dường như chiến dịch này mang lại khá nhiều thành công, điển hình như Pulp Fiction, đã cảm nhận được cái hay của nó sau bao năm tháng bỏ xó, thưởng thức lại Donnie Darko mặc dù cảm xúc vẫn lộn xộn như xưa, và gọi tên được nỗi sợ hãi trong The Butterfly Effect sau ngót nghét cả chục năm mới xem lại. Và tối nay, lại một thành công ngoài sức mong đợi khi xem lại Memento, chắc cũng đến hơn 4 năm nay chưa xem lại nó.

Memento giống như một vòng xoáy ốc vô tận càng ngày càng đắm chìm vào bóng tối, hay một cuộn len rối tung không thể tìm thấy đầu dây. Một mớ bòng bong mà mỗi lần đụng vào lại thấy một mảnh vỡ khó chắp vá, phải bới từ từ, nhớ từng chi tiết, rồi để nó vào đúng chỗ, quá nhiều thứ để nhớ, tìm thấy cái mới thì lại quên mất cái cũ, tìm tìm tìm hoài rồi cuối cùng cũng ra cũng sắp xếp từng đoạn đứt vào đúng chỗ của nó. Thật quá khổ sở!

Christopher Nolan muốn bạn khó khăn trong việc nắm bắt sự kiện, khiến bạn phải động não để sâu chuỗi nó lại ư? Không! Ông ấy còn cao tay hơn nữa, đó là biến chính bạn thành một kẻ mất trí nhớ, nhấc bổng bạn từ một khán giả rồi đặt vào vị trí của nhân vật trong chính bộ phim của ông ấy. Đúng đấy! Bạn sẽ cảm tưởng như mình chính là kẻ đã mất đi trí nhớ ngắn hạn trong trò chơi trinh thám đi tìm kẻ đã giết vợ mình.

Nó là một vòng xoáy ốc vô tận. Đến cuối bộ phim bạn tìm ra kẻ giết người, nhưng không phải vậy, nó chỉ là một nấc thang, một cái kết trong vô vàn cái kết khác. Rồi bạn nhớ đến những diễn biến trước đó, thực ra nó đã diến ra trước đó, chỉ là với một nhân vật khác, hoàn cảnh khác. Nó kết thúc rồi, vậy thì sẽ làm gì nữa, chẳng lẽ mọi thứ đã chấm dứt? Không! Ta phải lừa dối chính bản thân ta để tồn tại, tạo ra những thứ vốn không tồn tại rồi tin là nó tồn tại. Vậy là một câu chuyện mới lại tiếp diễn.

Ta không tin ta thì còn tin ai, nhưng chắc gì ta đã đúng, mà ta đã không đúng thì làm gì còn ai đúng nữa!!! Tiếp tục đọc

The Butterfly Effect (2004)

Tôi luôn coi quá khứ không bao giờ có thể thay đổi, nó vốn là thứ đã được định đoạt sẵn, nếu có ai đó từ tương lai, hoặc là hiện tại dùng cỗ máy thời gian hay dùng một khả năng đặc biệt nào đó để trở về quá khứ để sửa chữa lỗi lầm thì chắc chắn không bao giờ được. Việc quay về quá khứ giống như một tác nhân không thể thiếu để tạo nên kết quá ở tương lai, nó giống như Predestination – Tiền định vậy, bạn chỉ đơn thuần bước lại những dấu chân của quá khứ, tạo nên yếu tố xúc tác cho kết quả đã xảy ra mà thôi.

Nhưng khi xem một bộ phim, bạn không thể cứ chăm chăm vào cái nguyên tắc bất di bất dịch của bạn được. Bạn phải xem nó dưới góc nhìn của đạo diễn để có thể hiểu được bộ phim, nếu không làm điều đó thì mọi việc đều trở nên vô ích. Hãy giả sử bạn có thể thay đổi quá khứ để thay đổi hiện tại thì bạn sẽ làm gì, chắc chắn bạn sẽ làm cho cuộc sống của bạn, cuộc sống của những người mà bạn yêu thương trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng điều đó không bao giờ là dễ dàng, những chi tiết trong cuộc sống này đều có sự liên kết mật thiết với nhau, đồng thời chúng luôn chuyển động và tác động lẫn nhau, nếu bạn thay đổi một hạt cát, điều đó đồng nghĩa với bạn đã thay đổi cả sa mạc.

Thời gian là gì? Nó không phải là một thứ vật chất để bạn có thể nắm bắt được nó, nhưng bạn có thể cảm nhận được nó. Thời gian chính là sự di chuyển. Giả dụ tất cả vật chất trên trái đất này đều dừng lại, gió ngừng thổi, chim ngừng bay, mọi sinh vật sống ngừng trao đổi chất, những phải ứng hóa học và những tác động vật lý tạm dừng lại, nhưng chỉ riêng có bạn là có thể di chuyển, suy nghĩ, cảm nhận. Lúc đó tồn tại hai “Không gian” khác nhau, không gian thứ nhất là không gian của bạn ở đó thời gian vẫn trôi và bạn không ngừng già đi, và không gian thứ hai là nơi thời gian ngừng trôi. Thêm một giả dụ nữa, bạn có thể thay đổi vị trí của những sự vật hiện tượng tại nơi thời gian ngừng trôi ấy, lúc đó bạn có thể tạo nên hạnh phúc hoặc cũng có thể tạo nên thảm kịch mà bạn không hề mong muốn, chẳng hạn như bạn cứu một người khỏi tai nạn giao thông nhưng đó lại là một kẻ giết người, bạn cứu mạng hắn nhưng vô tình tạo ra cái chết của người khác. Con người vốn không phải là chúa trời để có thể kiểm soát tất cả mọi thứ.

The Butterfly Effect là một bộ phim quá cũ nói về du hành thời gian, nó để lại trong lòng người xem không ít hỗn độn và ngổn ngang. Tôi đã xem bộ phim này cũng đã quá lâu rồi đến nỗi không nhớ nổi tên bộ phim, những tình tiết chủ yếu của nó, duy chỉ có mỗi cái kết khiến tôi nhớ mãi, một cái kết ám ảnh khó nói thành lời khiến thằng nhỏ ngày ấy đến tận bây giờ vẫn không thể quên được.

Giờ đây khi xem lại bộ phim này, tôi đã gọi tên được nỗi sợ đó, nỗi sợ rơi vào hư vô, nỗi sợ hãi chính bản thân mình làm nên bất hạnh cho những người xung quanh. Suốt cả bộ phim người xem chứng kiến cuộc sống của nam diễn viên chính, những hạnh phúc, đau khổ của cậu, những chuyến du hành về quá khứ để sửa chữa lỗi lầm nhưng chỉ khiến mọi việc trở nên trầm trọng hơn. Cậu đem lại hạnh phúc cho người này thì đem lại bất hạnh cho người khác, hay khi cậu rơi vào bất hạnh thì những người xung quanh lại có cuộc sống tốt đẹp hơn. Rồi đến cuối bộ phim, nhân vật chính tự nguyện hy sinh thì gần như tất cả mọi người đều có được hạnh phúc, nhiều người cho rằng đó là sự hy sinh vĩ đại, nhưng tôi lại có một suy nghĩ khác. Đó chính là một thảm kịch dành cho nhân vật chính, khi càng cố gắng thay đổi quá khứ thì mọi thứ trở nên trầm trọng hơn, cuộc sống ấy mang lại hạnh phúc cho ai? Thật quá đáng sợ khi mình không tồn tại thì mọi người lại hạnh phúc hơn, ta tự nguyện đi vào hư vô, chưa từng tồn tại nhưng ai biết đến sự hy sinh đó? Mọi người đều hạnh phúc mà không hề hay biết. Bạn thực tế không tồn tại! Tiếp tục đọc

Gone Girl (2014)

Khi bạn yêu một cô gái thì bạn muốn biết điều gì về cô ấy nhất? Bạn tìm hiểu mọi thứ về cô ấy, sở thích của cô ấy, trình độ học vấn, hoàn cảnh gia đình, các mối quan hệ xã hội, quá khứ, trước đây cô ấy đã từng yêu ai chưa, hay còn là gái trinh không,…. Rất rất nhiều thứ mà bạn muốn biết và có một thứ mà chắc chắn bạn muốn biết, chỉ là do bạn không hoàn toàn chắc chắn, quá tự tin hay tự lừa dối bản thân để mà không thèm đếm xỉa đến nó. Liệu cô ấy có yêu mình không!!!!!????? Chỉ có Chúa mới biết được, đôi khi bạn còn tự lừa dối cả bản thân chứ đừng nói đến chuyện có thể đọc được suy nghĩ của người khác. Vậy đó, thế nên hãy chỉ giới thiệu “đây là người yêu của tớ” chứ đừng bao giờ nói “đây là người yêu tớ”

Gone Girl xứng đáng là một bộ phim truyền cảm hứng, nó gieo vào trong đầu những bà vợ đang ghét chồng những ý nghĩ tội lỗi và khiến tất cả đàn ông đã có vợ hay chưa có vợ đều phải ớn lạnh với những suy nghĩ mông lung về người mà mình yêu thương nhất và cho rằng đó là người yêu thương mình nhất.

Khi xem bộ phim này nhiều người cho rằng hôn nhân là mồ chôn của tình yêu, tôi đồng ý với điều đó, chắc chắn rồi. Nhưng đó không phải là thứ giết chết tình yêu. Hôn nhân chỉ là cái quan tài, vài xẻng đất và cái bia mộ chứa đựng cái thứ chẳng còn giãy dụa mà trước đây nó đã thổn thức từng giây phút. Sự quen thuộc, những mối ràng buộc, cuộc sống bon chen, cơm áo gạo tiền, sự già cỗi trong tâm hồn lẫn thể xác và đủ thứ nguyên nhân khác không thể gọi tên mà chỉ người trong cuộc mới biết được, chúng như con dao sắc lẻm cắt ngọt lịm vào tình yêu.

Gone Girl là một bộ phim nói về khủng hoảng hôn nhân nhưng nó không phải là phim tình cảm, chẳng có cái kết có hậu hay cái kết để lại tiếc nuối cho người xem. Nó thuộc thể loại tâm lý, trinh trinh thám và đối với tôi nó còn cực kỳ kinh dị nữa. Một nỗi sợ hãi mang tên ÁM ẢNH.

Những câu hỏi liên tục được người xem đặt ra trong quá trình đi tìm sự thật, giống như một khoảng không rộng lớn bao phủ bởi làn khói mờ ảo, không người dẫn đường, bạn mò mẫm, vươn tay ra khoảng không trống hoác để mong muốn nắm được một cái gì đó. Đúng là thể loại phim cực kỳ hấp dẫn người xem, nhưng màn bí mật đó nhanh chóng bị kéo xuống như cách một nhà ảo thuật lật miếng vải đen, khán giả òa lên. Lúc đó một nửa thời gian của bộ phim đã hết, nhiều người cho rằng đến lúc này chẳng còn gì để khám phá nữa. Nhưng không, nửa đầu là dành cho thể loại ly kỳ -trinh thám, còn nửa sau là dành cho thể loại còn hại não hơn thế nữa, thể loại tâm lý.

Bạn tưởng rằng mình đã hiểu hết nhân vật nữ chính. Không đâu, tất cả đều chỉ là một màn kịch được chuẩn bị rất kỹ lưỡng bởi một bộ óc thông minh xảo quyệt. Bạn biết cô ấy nghĩ gì muốn gì nhưng không phải, đó chỉ là thứ mà cô ấy muốn bạn biết. Cô ấy đã lừa được tất cả mọi người. Và cuối cùng bạn cũng không có được câu trả lời, liệu cô ấy thực sự yêu chồng hay chỉ là một màn kịch thứ hai để thoát khỏi sự giam hãm của người yêu cũ? Chỉ có Chúa mới biết được.

Và đến lúc này tôi mới để ý đến câu nói mở đầu của bộ phim nó đáng sợ như thế nào: “When I think of my wife, I always think of the back of her head. I picture cracking her lovely skull, unspooling her brain, trying to get answers. The primal questions of a marriage: What are you thinking? How are you feeling? What have we done to each other? What will we do?”

Gone girl

Nói thêm một chút về diễn xuất và cách tạo hình nhân vật.

Biết đến nữ diễn viên Rosamund Pike qua bộ phim Pride And Prejudice, cho dù không phải là diễn viên chính nhưng cô ây đã gây ấn tượng với tôi vì vẻ đẹp và nụ cười hiền dịu, vậy nên khi xem cô ấy hóa thân vào nhân vật Amy Dunne tôi đã rất ngỡ ngàng. Vẫn nét mặt ấy nhưng lại là một vẻ đẹp rất lạnh lùng và hấp dẫn, một con người rất thông minh và quỷ quyệt. Nếu chỉ gọi Amy Dunne là con khốn nạn thì đã quá nhẹ nhàng, phải gọi là con quỷ cái bị tâm thần mới đúng. Biến hóa khôn lường, từ một thân hình thon gọn, khuôn mặt thanh thoát, mái tóc vàng luôn được chải gọn gàng với những bộ quần áo điệu đà lịch sự biến thành một kẻ dáng sợ, phờ phạc, tự hành hạ bản thân, quần áo luộm thuộm, thói quen thiếu lành mạnh. Một Crazy Amy và một Amazing Amy.

Amy trả thù chồng cô ấy một cách đáng sợ, cũng là cái chết nhưng nó đến từ từ khiến nạn nhân phải dồn hết sức lực để chống chọi, quá tàn nhẫn.

Nhưng tại sao sau bao nhiêu điều đáng sợ đó, chồng của cô, Nick Dunne vẫn tiếp tục cuộc sống vợ chồng? Tại Nick quá mù quáng tin vào tình yêu trở lại của vợ hay tại Amy quá thông minh xảo quyệt và hấp dẫn, hay là cả hai? Cái đó thì tùy thuộc vào cách nhìn của bạn!

Comment thú vị của bạn cheffamily về Gone Girl, nếu bạn biết điều thú vị khác, hay chỉ cần cảm nhận của bạn về bộ phim này, hãy mạnh dạn comment ở đây nhé 🙂

Cái lỗi lớn nhất của phim là ko làm đc rõ 1 điều trong sách đề cập (dù bà tác giả sách viết kịch bản 😛 ): Amy là 1 psychopath, giống Hannibal ấy. Người thường bực quá cũng chỉ tới mức thuê người tạt axit một cách đơn giản và lộ liễu thôi, trả thù kiểu này chỉ có psychopath mới nghĩ ra nổi và mới dám làm.

“Nhưng tại sao sau bao nhiêu điều đáng sợ đó, chồng của cô, Nick Dunne vẫn tiếp tục cuộc sống vợ chồng?”

Chứ bỏ cho bà chị chơi phát nữa à? :v 1 lần chưa đủ sợ sao? Lại thêm 1 thứ chỉ đọc sách mới hiểu đc: gia đình Nick trục trặc từ nhỏ, ổng lại có daddy issues nặng nên ổng ko muốn trở thành 1 phiên bản khác của ông bố mà ổng ghét cay ghét đắng nên ổng ở lại cho đứa con của ổng với Amy.

Cá nhân cũng ko nghĩ phim này bàn về khủng hoảng hôn nhân mà là 1 phim thriller, kể về 1 nữ psychopath lấy hôn nhân làm cái nền để dụ người coi thì đúng hơn.

Suy nghĩ thú vị của bạn diaryfox 🙂

Mình cũng nghĩ trong phim không khắc hoạ dc Psychopath của Amy. Amy, theo mình, chưa bao giờ thật sự là cô ấy cả. Lúc nhỏ thì sống cuộc đời của Amazing Amy do bố mẹ vạch ra, lúc lớn lên sống cuộc đời của 1 Amy quyến rũ mà Nick say đắm. Tính kiểm soát của cô ta mạnh, và mạnh đến nỗi cô ta không thể sống là chính mình dc. Cô ta đã lên kế hoạch chết đi để có 1 cái kết hoàn hảo, và khi bị cướp, đó là lần đầu tiên Amy bộc lộ bản thân và mất kiểm soát. Chính điều đó làm cô ta ko chấp nhận dc, và nó, 1 phần, cũng là lý do cô ta quay trở về với Nick, vì ở đó, cô ta kiểm soát dc mọi thứ, tự viết và uốn nắn cuộc đời họ y như cô ta muốn.

Vậy nên mình ko hề cho là cô ấy yêu hay vì yêu gì Nick đâu. Cô ta yêu 1 Nick mà cô ta vẽ ra thôi à.

Tiếp tục đọc

Predestination (2014)

……………………… Ha! Bạn không thể tưởng tượng ra điệu cười của tôi ngay khi credit của bộ phim hiện lên đâu. Ha một tiếng lạnh lùng, nhếch mẹp cười và mở blog ra để viết về Predestination, bộ phim có diễn viên mà tôi cực kỳ yêu thích, đó là Ethan Hawke. Sau bộ phim này tôi đã quyết định xếp Ethan Hawke ngang hàng với Tom Hanks, điều này có nghĩa là xem tất cả bộ phim có sự tham gia của nam diễn viên này mà không cần xem trailer hay bất cứ bài review của bất cứ ai khác.

Predestination sẽ làm não bạn căng như giây đàn, suy nghĩ không ngừng nghỉ dù chỉ là một giây phút, điều này không có nghĩa là cái kết của bộ phim sẽ chẳng đâu vào đâu. Vậy nên suốt 97 phút của bộ phim sẽ rất đáng giá. Nhưng trước khi xem bộ phim bạn hãy đọc qua cái này một chút nhé.

NGHỊCH LÝ ÔNG NỘI: Giả sử có một người đàn ông du hành thời gian về quá khứ và giết ông nội mình trước khi ông mình cưới bà nội. Kết quả là bố của anh ta sẽ không được sinh ra, điều đó dẫn tới người đàn ông đó sẽ không bao giờ được ra đời thì sao anh có thể du hành về quá khứ. Nhưng nếu anh không về quá khứ để giết ông nội mình thì ông nội anh phải còn sống và điều đó nghĩa là anh vẫn được ra đời và có thể vượt thời gian để giết ông nội mình.

Một ví dụ khác về sự nghịch lý: Trong một trường đại học, vị giáo sư nọ đưa ra một công thức toán học mới và giảng giải cho các sinh viên của mình. Một trong số các sinh viên đó dùng cỗ máy thời gian để quay về quá khứ, trước lúc vị giáo sư kia tìm ra công thức toán và giảng giải cho ông ta về công thức mà anh ta học được ở trường. Sau đó vị giao sư lại đem công thức này lên trường để giảng cho các sinh viên. Vậy câu hỏi đặt ra là ai mới chính là tác giả của công thức toán đó?

Nghịch lý này đơn giản nếu bạn chỉ nghĩ nó là một vòng tròn luẩn quẩn. Nhưng cái mà nó muốn nói không chỉ có thế, đó là cái nghịch lý mà cả Stephen Hawking cũng nghiên cứu về nó. Bạn mắc sai lầm ở quá khứ, bạn có một cỗ máy thời gian và trở về quá khứ để sửa sai, liệu bạn có làm được điều đó không, hay tất cả đều đã là TIỀN ĐỊNH.

Predestination - 2

Nếu thấy đủ hấp dẫn rồi thì chúng ta bắt đầu

Theo bạn con gà có trước hay quả trứng có trước?

Con rắn tự ăn cái đuôi của chính nó!

Tôi trở về quá khứ, đối diện với chính tôi, thấu hiểu tôi, phán quyết số phận của tôi bằng cách thay đổi dòng chay thời gian nhưng mọi thứ vẫn y nguyên.

I love myself.

Tôi đối diện chính tôi, một kẻ của quá khứ và một kẻ của tương lai. Một kẻ thấu hiểu kẻ kia đang nghĩ gì, muốn gì, còn một kẻ muốn thay đổi số phận. Một trò đùa trớ trêu, tôi tự thuyết phục chính tôi và lặp lại dòng chảy mà nó vốn có.

“Anh ở đây để tái tạo lịch sử và tác động tới những gì diễn ra, anh được gửi đến thế giới này qua một Nghịch lí về Định mệnh. Anh là người duy nhất không có sự ràng buộc về lịch sử, tổ tiên. Nhưng anh phải hoàn thành nhiệm vụ của mình. Anh phải gieo hạt giống tốt đẹp cho tương lai”.

Tôi khởi nguồn từ đâu và kết thúc nơi đâu? Nó là một vòng tròn khép kín, nhưng phải có điểm bắt đầu chứ! Là từ đâu?

I find myself.

Đừng trách mắng tôi vì sự miêu tả rời rạc, bởi bộ phim cũng như thế và bạn phải sâu chuỗi tất cả lại với nhau. Đơn giản mà, nếu bạn là một Fan film đích thực. Tiếp tục đọc

Donnie Darko (2001)

Du hành thời gian, lỗ hổng thời gian, vòng tròn thời gian hay bất kể một cái tên nào mà người ta có thể gọi. Thực ra tôi chẳng hiểu rõ về nó và cũng không có mong muốn tìm hiểu sâu hơn, đơn giản nó chỉ là một thứ công cụ một cách truyền tải đặc biệt dành cho một ý nghĩa lớn lao hơn. Ở phim ảnh người ta có thể làm mọi thứ, yêu thương, căm ghét, chiến tranh khốc liệt, thảm họa, người ngoài hành tinh,… rất rất nhiều thứ có thể tạo nên; cái quan trọng là họ có đủ trí tưởng tượng để tạo ra nó không thôi. Cái cuộc đời này đôi khi không đủ không gian dành cho sự sáng tạo vô bờ bến của con người, những quy luật vốn có ràng buộc sự sáng tạo, vì thế mà người ta tìm đến hội họa, văn học, điện ảnh,… để thỏa sức tung hoành trí tưởng tượng của mình. Những con đường, công cụ mới được sáng tạo ra để truyền tải những thứ mà trong đời sống giản đơn khó có thể cảm nhận được. Và bạn, cũng đừng là một con người của cuộc sống đời thường khi chiêm ngưởng những tác phẩm tuyệt vời được tạo nên từ trí tưởng tưởng, hãy trôi theo nó, phiêu bồng theo nó.

Donnie Darko

Ai hay bị mất ngủ mà xem Donnie Darko sẽ thức tới sáng luôn.

Tôi xem phim này đã lâu lắm rồi, giờ xem lại nó vẫn để lại trong đầu tôi một khoảng trống lớn rồi chỉ một chốc sau đó được lấp đầy bởi vô vàn suy nghĩ được liên kết với nhau một cách logic. Bộ phim thuộc thể loại cực kỳ hại não, gần như toàn bộ thời lượng của bộ phim khán giả không nhận được một lời giải thích. Những sự kiện khó hiểu được sâu chuỗi một cách nhanh chóng chỉ một vài phút cuối phim cùng cái kết bất ngờ. Chỉ vài phút thôi nhưng cảm xúc của người xem sẽ là những đợt sóng cuộn trào dữ dội rồi bỗng chìm trong hư không, rồi bước từng bước qua những trạng thái cảm xúc khác nhau của từng nhân vật trong bộ phim.

Đáng giá không? Rất đáng xem!

Bộ phim được 8.1/10 điểm IMDB.

Những gì còn lại trong suy nghĩ của tôi hãy để Mad Word nói hết.

All around me are familiar faces
Worn out places, worn out faces
Bright and early for their daily races
Going nowhere, going nowhere
Their tears are filling up their glasses
No expression, no expression
Hide my head I want to drown my sorrow
No tomorrow, no tomorrow

And I find it kinda funny
I find it kinda sad
The dreams in which I’m dying
Are the best I’ve ever had
I find it hard to tell you
I find it hard to take
When people run in circles
It’s a very, very mad world mad world

Children waiting for the day they feel good
Happy Birthday, Happy Birthday
And I feel the way that every child should
Sit and listen, sit and listen
Went to school and I was very nervous
No one knew me, no one knew me
Hello teacher tell me what’s my lesson
Look right through me, look right through me

And I find it kinda funny
I find it kinda sad
The dreams in which I’m dying
Are the best I’ve ever had
I find it hard to tell you
I find it hard to take
When people run in circles
It’s a very, very mad world … mad world
Enlarging your world
Mad world Tiếp tục đọc

Children of Men (2006)

Những đứa trẻ là những tia nắng của thế giới, chúng là mục đích để thế giới này vận động, con người tốt đẹp hơn khi nhìn vào một đứa trẻ non nớt, sẵn sàng hy sinh để mang lại những lợi ích tốt nhất cho chúng – đó là bản năng tốt đẹp vốn có của con người. Nhưng một khi cái mục đích đó không còn thì sao? Không còn tương lai, không còn gì để mà hy sinh, thế giới tăm tối, con người ích kỷ và bắt đầu chém giết lẫn nhau.

Children of Men, bộ phim nằm trong máy tính của tôi cả năm trời mà chẳng được đoái hoài tới,suýt nữa thì rơi vào quên lãng nếu như tôi không rảnh rỗi lục lại list phim chưa xem. Thật là quá phí phạm nếu như tôi tiếp tục bỏ lỡ nó, đúng là thể loại mà tôi yêu thích, khơi dây những cảm xúc chôn giấu bấy lâu nay, thậm chí là giúp tôi cảm nhận được những thứ mới mẻ và cuối cùng để lại nụ cười mãn nguyện sau biết bao sóng gió, đau thương.

Đây là một bộ phim giả tưởng hấp dẫn đầy tính nhân văn: sự khao khát, tình yêu thương và cả đức hy sinh. Năm 2009 loài người rơi vào thảm kịch, một án tử dành cho nhân loại, bản án được thực hiện từ từ, vắt kiệt niềm tin, ý chí của tất cả mọi người: Suốt 18 năm không một đứa trẻ nào được sinh ra, 18 năm của hỗn loạn, ngày tận thế đã được định sẵn.

Children of men

Nhưng rồi một ngày, niềm hy vọng le lói xuất hiện, người ta tìm thấy một phụ nữ mang thai, phép màu đã sảy ra, phép màu mang lại niềm hy vọng cho cả thế giới. Đứa trẻ mà ai ai cũng khao khát sắp ra đời, họ muốn chiếm lấy nó, bảo vệ nó bằng cả sinh mạng của mình. Khi xem bộ phim này những giọt nước mắt của tôi chỉ muốn chực trào vì những con người vĩ đại: Theo, chàng trai có vẻ ngoài mạnh mẽ nhưng trái tim bên trong đang dần hóa đá, anh đã cùng Kee vượt qua bao nhiêu khó khăn gian khổ, đứng trước hòn tên mũi đạn để che chở cho cô và đứa bé, Jasper, ông già có cuộc sống bất hạnh nhưng trong ông luôn có niềm tin vào tương lai tươi sáng; bà già đồng bóng Miriam hậu đậu nhưng tốt tính, và biết bao con người không tên khác đã hy sinh thân mình để bảo vệ cho đứa trẻ, bảo vệ cho niềm tin vào tương lai tươi sáng.

Chỉ cần một tia nắng nhỏ nhoi nhưng đủ rực rỡ để chiếu sáng kỷ nguyên đen tối. Tiếp tục đọc

Edge of Tomorrow (2014)

Xem phim này mà cứ nhớ đến thời trẻ trâu, thích cày game ở chế độ Hard mode, nhưng gặp chỗ khó chết đi sống lại mấy lần mà mãi không qua màn nổi lại thấy nản khó tả, nhưng vẫn ráng để về nước. Ôi cái cảm giác đó, khi chiến thắng tất cả, vượt qua bao nhiêu gian nan khổ ải thì cuối cùng đã gặt hái được trái ngọt, nghĩ về những năm tháng gian khổ vừa qua, sự kiên trì của bản thân cùng với việc vắt óc ra suy nghĩ phương án giải quyết thì thấy mình quá chi là giỏi! Ôi mình phục mình quá 🙂

Một phút tự sướng, tự kỷ đã kết thúc. Giờ là nhiệm vụ chính: Bình loạn phim

Edge of Tomorrow có một kịch bản chẳng lấy gì làm mới mẻ. Với tất cả các fan film thì sẽ thấy nó giống với một bộ phim nào đó. Đó chính là The Matrix và  Groundhog Day nữa, lấy kịch bản từ một câu chuyện “cổ tích” và ghép nó với cách tạo hình nhân vật trong một bộ phim hành động – viễn tưởng để tạo thành một tác phẩm mới. Đó không phải là một sự chắp vá khập khiễng mà là một sự vay mượn ý tưởng có cải tiến (nếu đúng là tác giả Edge of Tomorrow có vay mượn ý tưởng từ hai bộ phim trên). Có khá nhiều người chê bộ phim này với ý kiến cho rằng cách thể hiện câu chuyện dưới màn ảnh thua xa  tiểu thuyết gốc All You Need Is Kill. Câu chuyện gốc thì logic, cao siêu khiến cho người đọc nhức đầu trong khi bộ phim được quảng cáo là sẽ hại não khán giả nhưng thực tế thì lại khá dễ hiểu.

Mới xem bộ phim này chiều nay, khá lâu sau khi nó được chiếu rạp, thậm chí là so với thời điểm bản torrent xuất hiện. Bởi nghe nói bộ phim này không thành công về mặt doanh thu, có nhiều đánh giá tiêu cực về nó cộng với việc tôi không thích phim hành động của Tom Cruise, mặc dù đây là mảng mà anh rất thành công – tôi có xem loạt phim Mission: Impossible của anh nhưng thú thực là toàn xem để giải trí đơn thuần khi mà chẳng kiếm được phim gì mới để xem. Vì vậy khi xem bộ phim này tôi cũng có mục đích như thế và không có một sự kỳ vọng nào về nó.

Trong bài viết này tôi không ca ngợi Tom Cruise vì vốn không thích lối diễn xuất của anh, mà lý do tại sao không thích thì cũng chẳng biết nữa!? Nhưng đánh giá một cách khách quan thì hầu hết tất cả các bộ phim anh đều diễn tròn vai của mình, rất ổn định nhưng lại không có đột phá. Lối dẫn truyện mới chính là thứ khiến tôi phải chú ý. Vào đề một cách nhanh chóng nhưng không một lời giải thích khiến khán cảm thấy tò mò , đoán già đoán non về những sự kiện khó lý giải. Một câu chuyện được lặp đi lặp lại nhưng mỗi lần có khác một chút vì phép thử sai của nhân vật chính, thử hoài mà không thoát được ngõ cụt  khiến cho khán giả bức bối, rồi một khúc cua đột nhiên xuất hiện khiến dòng chảy đổi hướng. Mọi khúc mắc vừa mới được giải tỏa thì một ngõ cụt khác lại xuất hiện, lại phải luẩn quẩn tìm lối ra.

Cũng giống như những bộ phim được xây dựng với mục đích thu hút khán giả, Edge of Tomorrow không chỉ kích thích trí tò mò của khán giả mà trong nó còn đan xen những tình huống gây cười và những khoảng lặng vì tình cảm và sự hy sinh mà các nhân vật trong phim dành cho nhau.

Đánh giá chung của HMP về bộ phim này: vừa gây ức chế nhẹ vừa gây cười; kỹ sảo, hành động đẹp cộng với một chút tình cảm; cái kết có hậu làm người xem không bị trằn trọc nếu xem vào buổi tối. Những yếu tố này đan xen, hòa quyện một cách vừa phải làm nên một bộ phim giải trí đáng xem.

Nhìn chung thì khi xem bất cứ bộ phim nào thì luôn có sự đánh đổi trong đó, có thể nó sẽ thỏa mãn mục đích của bạn và cũng có thể khiến bạn tiếc nuối vì thời gian đã bỏ ra, đôi khi còn gây ức chế nữa. Người khác thích bộ phim này còn bạn thì không, hoặc ngược lại. Vì vậy những đánh giá của người khác mà bạn đọc được đều chỉ mang tính chất tham khảo, cái quan trong hơn cả chính là kinh nghiệm đánh giá một bộ phim trước khi xem nó của bạn. Tiếp tục đọc

The Amazing Spider-Man 2 (2014)

Bài viết được hoàn thiện với sự giúp đỡ của Wind Castle 🙂

Thôi thì đã là bom tấn thì viết ngay cho nó nóng. Cho dù ra rạp đã khá lâu rồi nhưng bản HD thì chỉ mới xuất hiện trên internet gần đây (tính theo thời điểm xuất hiện bài viết này). Đây là ưu ái đầu tiên dành cho một tác phẩm của Marvel Studios, trước đây cũng có những bộ phim khác như Iron Man, Ghost Rider, Hulk, Captain America, Thor,… đã xuất hiện trên HMP nhưng chúng chỉ nằm chen chúc trong một bài viết mang tính chất sưu tập và giới thiệu những bộ phim của Marvel Studios.

Tại sao tôi lại viết về The Amazing Spider-Man 2? Vì nó để lại trong tôi những cảm xúc vẫn tồn tại đến bây giờ để có thể viết nên một thứ gì đó. Tuy nằm trong đại gia đình những siêu anh hùng nhưng Spider man có gì đó tách biệt so với phần còn lại. Doanh thu của bộ phim này có thể không sánh bằng Iron man 3 hay những pha hành động còn thua Captain America: The Winter Soldier một bậc, nhưng khi kết thúc bộ phim thì Spider man đã để lại trong lòng người xem không ít sự vương vấn.

Khi anh ấy cùng Gwen Stacy đang lâng lâng trong hạnh phúc thì làn mây đen đó kéo đến, rồi khi nó tan đi, mọi người vỡ òa trong hạnh phúc thì chỉ còn mình anh hét lên trong vô vọng gọi tên Gwen. Chỉ có thế thôi, cái kết ngắn ngủi nhưng để lại trong lòng người xem không ít tiếc nuối.

The Amazing Spider đã không đi cùng con đường với loạt phim trước do Tobey Maguire tham gia. Trước tiên hãy so sánh hai nam diễn viên của hai loạt phim này với nhau. Về cảm nhận của riêng cá nhân tôi thì không thích anh này vào vai Spider man một chút nào, nhưng đó chỉ là cảm giác khi tôi xem phần 1 năm 2012, còn đến bây giờ thì cảm nhận của tôi đã khác. Con đường khác nhau thì làm sao có thể so sánh một cách dễ dàng được, theo tôi thì Andrew Garfield đã làm khá tốt trong việc làm mới hình ảnh của Spider man, gần gũi hơn, thư  sinh hơn, vui vẻ hơn và cũng tâm trạng hơn. Riêng cái kết thôi cũng đã đủ khiến tôi yêu lỗi diễn xuất của anh ấy luôn rồi.

Còn về Emma Stone thì khó có thể chê được, có thể một phần vì tôi là một fan của Emma nên mới nói vậy! 🙂  So sánh với Kirsten Dunst trong loạt phim trước thì sao nhỉ, tôi đều thích cả hai diễn viên này ở mặt diễn xuất. Nhưng có vẻ Emma có đất diễn nhiều hơn Kirsten Dunst. Bản thân Emma vốn đã là một cô gái cá tính rồi nên việc cô ấy tham gia vào bộ phim này cũng chỉ là cách cô ấy thể hiện chính bản thân mình trên màn ảnh mà thôi. Trong The Amazing Spider-Man, cô bạn gái của chàng nhện độc lập hơn, cô ấy tự chọn con đường riêng cho mình, sẵn sàng tách khỏi người hùng, sánh vai cùng anh trong trận chiến, chỉ đáng tiếc là mọi thứ lại chấm dứt lúc cuối phim :(. Tiếp tục đọc

Her (2013)

Đã quá lâu, quá lâu rồi tôi mới xem một bộ phim hay như thế này, nó quấn lại, xiết chặt những xúc cảm của tôi, đưa tôi qua nhưng cung bậc cảm xúc khác nhau: Từ lạ lẫm đến gần gũi, nghi ngờ đến tin tưởng, từ hi vọng đến tiếc nuối. Bộ phim là câu truyện được tạo nên từ trí tưởng tượng của đạo diễn về thế giới tương lai, tuy vậy nó vẫn rất gần gũi, đến mức chúng ta có cảm tưởng rằng mình cũng đang sống trong thế giới đó vậy.

Nhiều người xem cảm nhận bộ phim là sự cô đơn của con người trong thế giới hiện đại, mặt trái của thời đại công nghệ, mọi thứ được hỗ trợ một cách tối đa bởi những trí thông minh nhân tạo, gần như mọi thứ được thực hiện bằng lời nói. Còn riêng tôi thì cảm nhận nó giống như một câu chuyện cổ tích buồn của Andersen. Samantha giống như nàng tiên cá có một tình yêu mãnh liệt, nhưng tình yêu đó chỉ được thể hiện bằng lời nói, không một nụ hôn hay một vòng tay xiết chặt, sự thiếu thốn đó không thể bù đắp một cách trọn vẹn.

Her

Một tình yêu mãnh liệt nhưng hạnh phúc ngắn ngủi, những gì đọng lại chỉ là đau thương và tiếc nuối. Samantha, một hệ điều hành có suy nghĩ của con người nhờ có sự tổng hợp ADN từ những kỹ sư lập trình. Cô ấy sẽ là một người giúp việc hoàn hảo nhưng sẽ không bao giờ trở thành một người yêu hoàn hảo, không có cơ thể nhưng rào cản đó dễ dàng bị gạt sang một bên, nhưng nó vẫn ở đó, vẫn tồn tại và trở thành bức tường vô hình giữa Theodore và Samantha. Đã có lúc Theodore nghi nhờ tình cảm của Samantha, liệu đó có phải là tình cảm đích thực, hay chỉ là những ngôn từ được sắp xếp khéo léo, được chỉ định sẵn bởi những ngôn ngữ lập trình. Đến cuối của bộ phim, tất cả mọi người đều có câu trả lời về tình cảm của Samantha dành cho Theodore, một câu trả lời để có được nó phải chấp nhận sự đánh đổi đầy nước mắt. Samantha ra đi, ra đi vĩnh viễn để lại Theodore một mình sau bao nhiêu hạnh phúc buồn đau, giờ đây trong anh chỉ còn những tiếc nuối về tình yêu đã qua mà không bao giờ trở lại được. Cô ấy biết rằng cả hai sẽ rất đau khổ nhưng cô ấy cũng biết rằng Theodore sẽ vẫn sống, tiếp tục sống một cuộc sống của con người. Tiếp tục đọc

Fight Club (1999)

Đây là một bộ phim tâm lý – hành động gây kích động nhất mà tôi từng xem. Bộ phim là câu chuyện dài dòng, luẩn quẩn, tăm tối, khó hiểu và có cái kết cực kỳ bất ngờ. Hầu hết thời gian của bộ phim bạn sẽ được thấy những cảnh đánh đấm cực kỳ tàn bạo, phá hoại tài sản công cộng, cuộc sống bẩn thỉu của những nhân vật chính. Nếu như ở Việt Nam thì chắc chắn rằng muôn đời bộ phim này sẽ không được ra rạp. Nhưng như tôi đã nói ở trên Fight Club là một bộ phim khó hiểu, phải đến những phút cuối của bộ phim thì mọi thứ mới sáng tỏ, lúc đó bạn mới vỡ òa với ý nghĩa của nó. Ẩn dấu đằng sau những hình ảnh đó là sự phê phán gay gắt xã hội hiện đại, guồng quay của xã hội dường như cuốn người ta đi quá nhanh khiến họ quên mất những giá trị đích thực của cuộc sống. Như nhân vật Tyler Durden (do Brad Pitt thủ vai) đã nói : You’re not your job. You’re not how much money you have in the bank. You’re not the car you drive. You’re not the contents of your wallet. You’re not your fucking khakis. You’re the all-singing, all-dancing crap of the world.

Sự bế tắc của xã hội đã lên tới đỉnh điểm, không chỉ giới trẻ không tìm thấy lối đi riêng mà cả những người thành công cũng cảm thấy bí bách trong cuộc sống và công việc của họ. Đó chính là lý do mà Fight Club ra đời, ở đó con người ta có thể bộc lộ hết bản chất của mình, bản chất của sự tàn bạo. Ở đó họ đấu tranh với một thứ đáng sợ, mạnh mẽ nhất và tàn bạo nhất, đó chính là bản thân mỗi con người. Tiếp tục đọc

Xem phim gì tết này!

Vậy là tôi đã ra trường được 3 tháng, cũng mới nhận việc. Nhìn chung là công việc cũng không có gì gọi là quá khó khăn, nhưng dù sao công việc vẫn luôn là công việc, muốn có cái gì đó để đổ vào mồm thì phải cố mà cày. Sẽ không còn như thời sinh viên nữa, một năm về nhà hai lần, thứ nhất là mấy tháng hè và thứ hai là tết.

Tết năm nay cũng khác tết xưa, năm trước vẫn còn nhận được lì xì (cho dù không được nhiều), năm nay thì thôi đừng có mong đợi nữa, còn phải lì xì cho tụi nhỏ nữa, thôi chắc trốn ở nhà quá. Mà tết nay cũng ngắn nữa, tối 28 lên xe đến sáng thì tới nơi; tối mùng 5 lại lên xe để về với Sài thành bụi băm bon chen: Ăn tết đúng 1 tuần.

Càng sống ở Sài Gòn mình càng nhớ Phố núi, nhớ cả những con đường uốn lượn khúc khủy, nhớ con người hiền hậu nơi đây và nhớ cả cái thời tiết đặc biệt vùng Tây Nguyên, thấy trời nắng là thế đấy mà đi ngoài đường không khoác một cái áo ngoài thì cũng phải run cả người.

Chỉ có một tuần thôi, phải tranh thủ, phải sắp xếp mọi thứ đâu ra đấy để không lãng phí thời gian vàng ngọc. Ban ngày thì cùng người thân chuẩn bị tết, thăm bà con hàng xóm và đặc biệt là không được say khướt. Buổi tối thì ôm hai thằng em, cùng xem phim.

Nhìn chung thì thời gian cũng không nhiều mà cũng chẳng ít, đủ để ta có thể xem những bộ phim thuộc đủ thể loại, từ giải trí đơn thuần đến những bộ phim nghệ thuật, phim hành động đến phim tình cảm và từ phim cổ đến những bộ phim bom tấn mới ra lò.

Hôm nay tôi sẽ giới thiệu với các bạn các bộ phim mới và review lại những bộ phim đã xuất hiện trên https://heomephim.wordpress.com. Tiếp tục đọc

Psycho (1960)

Cách đây khoảng 3-4 năm tôi thường không xem phim kinh dị, trừ phi không còn thứ gì để xem, bởi lý do tôi cho đó là những tác phẩm thị trường, không có chút gì hấp dẫn trong đó. Tất cả chỉ là những cảnh máu me rẻ tiền hay những cảnh quay khiến người xem giật mình rồi sau đó chẳng đọng lại chút ý nghĩa nào. Nhưng tất cả đã thay đổi sau khi tôi xem Psycho, một bộ phim kinh dị – tâm lý – trinh thám, một kì quan của nền điện ảnh thế giới và niềm tự hào của thể loại phim kinh dị. Psycho xoáy sâu vào việc phân tích tâm lý con người, khai thác những tham vọng, nỗi ám ảnh và sự sợ hãi tiềm tàng bên trong mỗi con người. Cho dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng bộ phim này chưa bao giờ mất đi giá trị của nó và trở thành hình mẫu cho những bộ phim kinh dị sau này.

Marion Crane – một thư ký văn phòng, trong lúc túng quẫn đã lấy đi 40.000 USD của công ty và bổ trốn. Suốt quãng đường dài lái xe đến California là quãng đường của sự sợ hãi tột độ của một con người vốn bản chất lương thiện nhưng đã làm một việc xấu mà không ai ngờ tới. Cô né tránh nói chuyện với mọi người, không dừng lại quá lâu ở một địa điểm, và sợ hãi trước cả một lời hỏi thăm bình thường.

Sau khi đi một quãng đường dài Marion Crane quyết định nghỉ chân tại nhà trọ của Norman Bates, một nhà trọ bình dân và bình thường giống bao nhà nghỉ khác nhưng người xem vẫn cảm thấy được không khí u ám, lạnh lẽo tại nơi đây.

Norman Bates có một bà mẹ già khó tính thường xuyên chửi rủa mỗi khi có khách tới, đặc biệt là các vị khách là nữ giới. Giọng nói lanh lảnh, the thé của bà phát ra từ của sổ khiến cho Marion Crane phải ái ngại cho dù không trực tiếp gặp mặt bà. Nhưng dù có chút sợ hãi nhưng cô vẫn quyết định ở ại nhà trọ đêm đó, cái đêm định mệnh mà Marion bị giết nhưng không ai tìm thấy xác và cũng không ai biết được thủ phạm.

Bộ phim được đề cử 4 giải Oscar

Tiếp tục đọc

The Ring (2002)

Ngoài những bộ phim tình cảm lãng mạn, ướt át thì những bộ phim kinh dị cũng rất thích hợp cho các cặp đôi đang yêu nhau – phim càng ghê càng tốt, đặc biệt là phim ma – nó chính là chất xúc tác khiến cho các bạn nữ ngồi sát lại bên những bạn nam hơn và những bạn nam cũng dễ dàng và đàng hoàng ôm em yêu của mình vào lòng mà chẳng hề bị phản ứng chút nào, có khi còn được đề nghị ở lại qua đêm để em yêu đỡ sợ nữa Hihihi 🙂

Hôm nay tôi muốn giới thiệu với một bộ phim kinh dị rất nổi tiếng, những cảnh máu me không bị quá lạm dụng như các bộ phim kinh dị khác, đây là một bộ phim ma và  những tình tiết ly kì luôn khiến người xem tò mò muốn xem hết bộ phim để biết được kết cục cuối cùng. Đây cũng là một bộ phim kinh dị dễ gây ám ảnh lâu dài cho người xem.

Tiếp tục đọc

Se7en (1995)

http://www.imdb.com (Internet Movie Database) là một trang web rất nổi tiếng, nó có danh sách 250 bộ phim hay nhất thế giới dựa vào đánh giá của người xem trên toàn thế giới vì vậy tính phổ thông của nó rất cao. Nhưng không vì thế mà nó chỉ có những bộ phim giải trí đơn thuần, trong đó có rất nhiều bộ phim khó nhằn, đôi khi làm đau đầu người xem.

Se7en là một bộ phim trinh thám – lỳ kỳ – kinh dị với sự góp mặt của Brad Pitt và Morgan Freeman. Bộ phim đã khiến tôi rất đau đầu với cái kết; “tại sao tên tội phạm lại muốn bị giết khi hắn chưa thực hiện được tất cả âm mưu của mình!?” Phải mất tới 10 phút sau khi xem xong tôi mới ngỡ ra ý nghĩa của bộ phim, đúng là kịch bản của bộ phim thực sự rất hay – cho dù suốt bộ phim có thể khiến bạn buồn ngủ, chẳng hiểu chuyện gì đang say ra, những nhân vật chính đang tìm kiếm một tên tội phạm với những manh mối mơ hồ.

Cái tên của bộ phim cũng là một gợi ý cho các bạn khi xem phim. Se7en chính là 7 tội lỗi của con người được nêu trong kinh thánh, đó là: kiêu hãnh (Pride), ghen tị (Envy), ham ăn (Gluttony), sắc dục (Lust), tức giận (Wrath), tham lam (Greed) và lười biếng (Sloth). Và tên tội phạm muốn trừng phạt đủ những người mang những tội lỗi này.

Tiếp tục đọc

The Usual Suspects (1995)

Trong máy tính của tôi có riêng một Folder dành cho phim thuộc thể loại tội phạm. Tôi luôn bị thu hút bởi thể loại phim này, có lẽ nó những bộ phim này luôn có xu hướng phá vỡ những chuẩn mực, những suy nghĩ đơn thuần trong cuộc sống bình thường, nó luôn có khả năng gây kích động người xem.

The Usual Suspects là một bộ phim thuộc thể loại phim tội phạm – lỳ kỳ. Bộ phim kể về câu chuyện của một nhóm tội phạm, với sự thông minh và cả liều lĩnh chúng đã gây ra những vụ cướp chấn động, thậm chí còn gây ảnh hưởng đến một số quan chức trong thành phố. Tuy vậy không có một vụ cướp nào là không để lại dấu vết, chúng đã thu hút được sự chú ý của một tên tội phạm bí ẩn tên là Keyser Söze, hắn đã thu thập những thông tin về các thành viên trong nhóm cướp và đe dọa chúng. Hắn yêu cầu chúng thực hiện một phi vụ lớn, một phi vụ tạo nên bước ngoặt lớn trong cuộc đời của mỗi thành viên trong nhóm cướp.

Tiếp tục đọc

Resident Evil

Đây là một series phim hành động với sự tham gia của người đẹp Milla Jovovich (diễn viên chính trong phim Return to the Blue Lagoon).

Alice là nhân vật chính trong phim, cô làm việc cho một tập đoàn tên là Umbrella – Đây là một tập đoàn hùng mạnh, xuất hiện trên tất cả các quốc gia, nguồn tiền của họ không chỉ bắt nguồn từ những việc kinh doanh đơn thuần mà còn từ việc nghiên cứu vũ khí, đặc biệt là vũ khí sinh học. Virus T là một trong số những sản phẩm của tập đoàn này, một lần do sự cố ý của con người, Virus T thoát ra khỏi không khí, lây lan và biến con người thành Zombie.

Alice là một trọng những người còn sống, họ tập hợp lại để chiến đấu và chống lại sự cầm quyền của tập đoàn Umbrella. Trong phim có những pha hành động rất đẹp mắt, đặc biệt bộ phim cũng quy tụ được những diễn viên khá xinh đẹp.

Về đánh giá của bản thân tôi thì đây không hẳn là một bộ phim đặc sắc, kịch bản phim khá đơn giản, cách kể chuyện được diễn đạt một cách thông thường, rất ít có những chi tiết kỳ bí, hoặc một điểm nhấn đặc sắc. Tuy nhiên nó vẫn rất đáng xem vì nó hội được những đặc điểm nổi bật của những bộ phim hành động, những pha bắn súng, hành đồng đẹp mắt và diễn viên xinh đẹp. Bộ phim đã được sự ủng hộ khá tốt từ phía người xem và đạt doanh thu cao.

Tiếp tục đọc

The Green Mile (1999)

Một bộ phim có sự tham gia của diễn viên tài năng Tom Hanks vào vai Paul Edgecomb một cai ngục. Công việc chính của ông là thực hiện các vụ hành quyết tử tù trên ghế điện, một công việc cần phải có sự tinh tế và khéo léo, nơi những tử tù không còn gì để mất rất dễ kích động mà làm những việc dại dột.

Một ngày, nhà tù nơi ông làm việc đón một tử tù mới tên là John Coffey có chiều cao hơn 2m và thân hình đồ sộ, nhìn vẻ ngoài của anh ta ai cũng phải ớn lạnh, tuy nhiên trái ngược với vẻ ngoài đáng sợ đó là một con người nhút nhát, đặc biệt là sợ bóng tối. John Coffey là một người đặc biệt, anh có khả năng chữa bệnh bằng cách chạm lên cơ thể người khác và cảm nhận được cái ác. Anh đã thu hút được sự chú ý của quản ngục, đặc biệt là Paul Edgecomb, người quản ngục thắc mắc tại sao con người hiền lành, tốt bụng này lại có thẻ gây ra một tội ác để chịu mức án tử hình như vậy; ông bắt đầu tìm hiểu và thật bất ngờ John Coffey không hề gây ra tội ác nào cả, anh bị oan…!

Tiếp tục đọc

Inside Man (2006)

Thêm một bộ phim về tội phạm rất hay mà tôi muốn giới thiệu cho các bạn. Cũng vẫn theo kết cấu của những bộ phim ăn khách, Inside Man có một cái kết bất ngờ và thỏa mãn được người xem

Bộ phim kể về một vụ cướp ngân hàng với sự chuẩn bị vô cùng hoàn hảo của nhóm cướp, nhưng vụ cướp này lại khá đặc biệt, mục tiêu của chúng không phải là tiền mặt, chúng chỉ lấy đi những thứ mà ông chủ ngân hàng này đã cướp của người khác mà thôi.

Bộ phim với sự góp mặt của Jodie Foster trong phim The Silence of the Lambs, Christopher Plummer trong phim The Insider, Clive Owen trong Children of Men và The Bourne Identity, và Denzel Washington rất nổi tiếng trong vai cảnh sát ở các bộ phim American Gangster, Training Day và Man on Fire.

Để tìm những bộ phim liên quan tới những diễn viên ở trên, hãy nhấn vào tên của họ ở mục THẺ hoặc TÌM KIẾM ở bên trái của màn hình

Tiếp tục đọc

The Prestige (2006)

Không có những cảnh máu me, hay ma quỷ trong bộ phim nhưng đây vẫn là một bộ phim dễ gây ám ảnh cho người xem khi có cái kết rùng rợn – con người ta có thể giết đồng loại thậm chí giết cả bản thân mình để đạt được tham vọng

Đã có nhiều bạn xem phim này và đánh giá nó rất hại não vì tình tiết khó hiểu, có người nói phải xem đến lần thứ 2 mới hiểu ra nội dung của câu chuyện, nhưng tôi khuyên bạn không nên bỏ qua nó vì một khi hiểu ra thì bạn sẽ thật sự phấn khích đấy.

Bộ phim với sự tham gia của Christian Bale, diễn viên nổi tiếng qua hai bộ phim The Dark Knight và The Dark Knight Rises

Tiếp tục đọc

Mystic River (2003)

Lại thêm một bộ phim đáng xem nữa của Clint Eastwood, Mystic River có sự tham gia của Tim Robbins, diễn viên chính trong phim The Shawshank Redemption.

Mystic River kể về câu chuyện giữa 3 người bạn thân từ nhỏ Jimmy Markum, Dave Boyle và Sean Devine, nhưng khi lớn lên thì họ càng xa rời nhau, mỗi người một số phận. Jimmy Markum trở thành một tay anh chị, Dave Boyle thì có một cuộc sống trầm lắng sau một biến cố thủa nhỏ, còn Sean Devine thì trở thành một cảnh sát.

Số phận trớ trêu đã khiến họ cùng gặp nhau một lần nữa, con gái của Jimmy Markum bị giết, Dave Boyle trở thành kẻ bị tình nghi và SeanDevine là người điều tra vụ án. Tiếp tục đọc