Birdman (2014)

Ngồi xem phim mà mồm mép căng hết cỡ, mặc dù chẳng cười sằng sặc ra tiếng nhưng mà suốt cả bộ phim cơ hàm cứ gồng lên rồi giữ nguyên trạng thái như vậy, xem xong mà đơ hết cả, đưa tay lên nhấn nhấn nắn lại cái xương hàm. Mẹ kiếp! Bộ phim này hay điên vãi.

Phải dùng ngôn ngữ bá đạo mới có thể viết về Birdman được.

Xem phim và xem kịch!

Có thể cùng là một đám đông, ngồi trong một khán phòng có những hàng ghế song song nhưng cảm giác hoàn toàn khác nhau. Đều là những thứ được sắp đặt sẵn nhưng kịch rất thực và cũng rất ngẫu hứng, bạn có thể nghe thấy những âm thanh hỗn tạp, tiếng thở, thậm chí ngửi thấy, chạm vào được người diễn, hay điên hơn một chút chính bạn – một khán giả cũng có thể thay đổi một vở kịch. Hôm nào đó đi xem kịch, cầm theo cái dùi cui, trong lúc vở kịch đang diễn ra ngon lành thì bạn xông lên sân khấu, chĩa nó về phía diễn viên, chửi té tát, rồi đòi lôi thằng đạo diễn ra đập thử coi. Cảm giác sẽ vô cùng thật cho coi! Còn với một bộ phim thì chắc bạn chỉ đập được cái màn hình mà thôi.

Diễn kịch phải thật sự khéo léo và ngẫu hứng, nó chỉ được chuẩn bị sẵn tất cả mọi thứ ở trong đầu, chỉ trong đầu mà thôi, nên những thứ trời ơi đất hỡi có thể xảy ra bất cứ lúc nào, tiếng micro rít lên, rớt mất bộ tóc giả, đèn cháy, té trên sân khấu, hoặc một thằng khán giả điên điên nào đó nữa. Khán giả luôn luôn nhìn, lắng nghe và cảm nhận, ngay cả những lúc chuyển cảnh, đèn tắt, tấm rèm đen được kéo ra, đằng sau nó là biết bao nhiều người rộn rã, gấp gáp sắp đặt sân khấu, những tiếng chân, tiếng bánh xe lăn, tiếng nói chuyện hoàn toàn nằm ngoài kịch bản có thể lọt xuống chỗ khán giả. Trên một không gian nhỏ bé có thể đặt cả một New York, một Paris vào đó, hay đặt cả hai vào cũng được, một nửa là New York một nửa là Paris, hai thành phố đó được nối với nhau bởi một đường dây điện thoại, hai diễn viên mỗi người mỗi nơi nói chuyện với nhau qua đường dây điện thoại đó mà trên thực tế chỉ cần liếc mắt qua một cái là nhìn thấy nhau rồi. Thật khôi hài nhưng người ta dễ dàng chấp nhận nó và coi đó là điều hiển nhiên.

Birdman

Birdman là một sự nhầm lẫn điên rồ của tôi, lúc mới nghe đến cái tên đó , xem cái poster, điểm IMDB cứ nghĩ nó là một sản phẩm lạ lẫm của Marvel nữa, mà sao nó xuất hiện cái rụp mà ở Việt Nam chẳng có chút quảng cáo hoành tráng để đưa đường. Thực sự nó là một bộ phim hay nhưng không phù hợp với đa số người Việt, không phải vì nó khó hiểu mà vì cách thể hiện của nó quá khác lạ kể cả với Hollywood và cách cảm nhận của đa số người Việt Nam cũng không giống với khán giả ở nước khác. Nó giống như khiếu hài hước của Mỹ với Châu Âu, hay của miền Nam với miền Bắc Việt Nam vậy. Đặc biệt nữa khi mà cách thể hiện của bộ phim cũng phá cách, cá nhân tôi chưa gặp nó ở đâu cả.

Những cảnh quay liền mạch, không có điểm đứt quãng, giống như người ta bê cả một sân khấu kịch lên màn ảnh vậy. CHẮC THẰNG QUAY PHIM KHỔ LẮM ĐÂY! “Phải đuổi theo diễn viên cho kịp những cảnh quay, khi họ bước qua một phòng khác cũng có nghĩa là một cảnh quay mới bắt đầu nhưng có vẻ như máy quay không tắt mà cứ chạy mãi, ghi lại tất cả những thứ phù phiếm , những tạp âm như của một sân khấu kịch, kể cả khi màn đêm buông xuống cũng không ngừng nghỉ, máy quay vẫn chạy, đợi thời gian trôi qua và lia sang một góc quay mới.” 🙂

Cái sân khấu và cả hậu trường đó như một bức tranh lớn được chắp vá từ những mảnh ghép nhỏ được cắt xé từ những bức tranh khác, từ ngoài đời thực, xào xáo nó lên, đảo đảo liên tay rồi sắp xếp một cách ngẫu hứng. Thực chất những diễn viên đang diễn lại những mảnh ghép được lây từ những bộ phim trước đây họ từng tham gia, hay là đem chính cả một phần cuộc sống thực tế của họ vào trong phim.

Michael Keaton, người thủ vai Riggan. Anh là ai? Đó chính là anh chứ còn ai nữa. Anh là Riggan và Riggan cũng là anh. Sau hào quang và đỉnh cao là bên kia con dốc, anh đang trượt xuống, anh không thể níu giữ thân thể này nhưng anh có thể để tâm trí bay bổng, vượt ta khỏi những kiểm soát tầm thường và bay tới những đỉnh núi mới.

Naomi Watts vẫn xinh đẹp và nồng nàn, những nếp nhăn đã xuất hiện nhưng những đường nét cơ bản của khuôn mặt thanh tú xưa kia vẫn còn. Khi xem Birdman người ta lại nhớ đến cô trong những bộ phim trước, một Naomi Watts đầy say đắm với những nụ hôn đồng giới. Một bản sao khác của Betty trong Mulholland Dr.

Edward Norton, không phải là một cái tên, nó còn là một thương hiệu đảm bảo cho những bộ phim mà anh tham gia luôn cháy vé. Anh chỉ cần bước vào bộ phim này như chính anh, người ta tạo ra nhân vật này chắc cũng là hình ảnh của anh ngoài đời. Việc còn lại của ảnh chỉ cần bê mấy cái điên điên khùng khùng, bất cần đời mà anh đã từng thể hiện trong American History X và Fight Club.

Emma Stone, diễn viên mà tôi yêu thích, nói thật với các bạn là tôi đã quá quen với cách diễn xuất của cô ấy rồi. Một cô gái cá tính, đầy tự tin. Bao nhiêu bộ phim vẫn vậy, đôi mắt to tròn đầy tự tin ấy luôn nhìn thẳng vào người khác khi nói chuyện, sẵn sàng bùng nổ, mỗi khi tức giận là xổ ra một tràng ào ạt như lũ cuốn làm cho người đối diện đứng hình, không thể phán kháng. Xem mà thấy đã.

Thế đấy, cảm xúc dạt dào mà ngôn từ có hạn, viết dài viết dai thành ra viết dại nên chỉ viết những cảm xúc nổi bật nhất. Bạn nào đã xem phim này mà có cảm nhận khác mình không? Tiếp tục đọc

American History X (1998)

Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là cái tên mang đầy đủ ý nghĩa mà tôi muốn dùng trong bài viết này, nhưng có lẽ cái tên dài dòng lê thê đó lại khiến cả bài viết lủng củng, chán chường khi mà cứ nhắc đi nhắc lại nó hoài. Thôi thì gọi ngắn gọn là nước Mỹ vậy

Sau khi tuyên bố ly khai khỏi Anh Quốc, nước Mỹ chính thức khẳng định nền độc lập vào ngày 4 tháng 7 năm 1776 cùng với bản tuyên ngôn độc lập nổi tiếng đã truyền cảm hứng cho nhiều bài phát biểu nổi tiếng khác như của Martin Luther King Jr. và Abraham Lincoln. Bản Tuyên ngôn cũng ảnh hưởng đến nhiều tuyên ngôn độc lập của các nước khác như Việt Nam và Zimbabwe. Chắc chúng ta đã quá quen thuộc với câu nói “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, nó là câu nói trong bản tuyên ngôn đọc lập của nước Mỹ được chính Bác Hồ sử dụng lại trong bản tuyên ngôn độc lập của Việt Nam.

Nhưng đời thì không như mơ, ai thì cũng có quyền! Nhưng đó chỉ được đảm bảo bởi tạo hóa hay là chúa trời chứ không phải con người. Con người với những tham vọng, những thiếu sót cũng được tạo nên từ tạo hóa đã tước đi cái quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc đó. Nước Mỹ giành được độc lập cách đây hơn 200 năm nhưng đó là độc lập của một quốc gia chứ không phải một con người. Sau cái năm 1776 ấy gần cả trăm năm, chế độ nô lê ở Mỹ mới được xóa bỏ, con người không bị coi là tài sản, không bị buôn bán, không bị quyết định sống chết bởi bàn tay của kẻ khác, nhưng nó chỉ là tự do trên giấy. Trong tâm tưởng của con người, hay thậm trí là trong thực tế với những hành động nằm ngoài vòng pháp luật, những bất công của chế độ nô lệ vẫn còn.

Cũng khoảng 100 năm sau, ngày 28 tháng 8 năm 1963, Martin Luther King, Jr. đọc bài diễn văn “Tôi có một giấc mơ” từ những bậc thềm của Đài Tưởng niệm Lincoln. Có lẽ đến tận bậy giờ nó vẫn là một giấc mơ chưa hoàn toàn thành hiện thực, những ngày cuối năm 2014, biểu tình lan rộng ở Mỹ vì vụ bắn người da màu, ở một số nơi nó đã bùng phát thành bạo lực. Chỉ vì một người da màu mà lại khiến nước Mỹ rúng động! Không phải, đó chỉ là một giọt nước làm tràn những mâu thuẫn vốn âm ỉ trong lòng nước mỹ, sự phân biệt giữa những cộng đồng người da trắng và người da màu, trong tư tưởng, trong văn hóa, trong truyền thông và cả trong luật pháp.

Mỗi cộng đồng đều có những đặc điểm khác nhau mà người ta có thể mang ra để so sánh. Với cộng đồng người da màu tại Mỹ, người tiêu cực thường nhắc tới tỉ lệ tội phạm, dân trí thấp hơn cộng đồng người da trắng, người làm trong nghệ thuật thì người ta nhắc tới văn hóa Hiphop không chỉ tác động mạnh mẽ tới nền nghệ thuật nước Mỹ mà còn tác động tới nền nghệ thuật của cả thế giới, những người tích cực hơn thì họ nói chúng ta đều bình đẳng bất kỳ tôn giáo, màu da; còn những chính trị gia thì họ ca ngợi những đóng góp của cộng đồng người da màu, nhắc tới những con người da màu vĩ đại và những việc làm của họ.

Lịch sử của màu da là chiếm một phần lớn trong lịch sử nước Mỹ từ khi lập quốc cho tới nay. Nó được truyền lại qua các thế hệ giống như hệ tư tưởng vậy. Quy luật khắc nghiệt của cuộc sống: Số đông, kẻ mạnh thường áp đặt những suy nghĩ tiêu cực lên thiểu số và kẻ yếu thế, chúng ăn sâu vào tiềm thức, được lưu truyền thông qua những bài viết, những câu chuyện trong nhà trường, giữa cha mẹ và con cái, từ anh chị tới em và giữa bạn bè với nhau. Sự khác biệt lại đẩy những suy nghĩ tiêu cưc ấy lên đỉnh điểm.

Màu da, sự khác biệt dễ nhận thấy nhất và cũng khiến người ta dễ mù quáng nhất. Người da trắng chơi với người da trắng, người da màu chơi với người da màu. Nó chuyển từ khác biệt sang tách biệt, những điều tốt đẹp không được trao đổi, cộng đồng mạnh mẽ lại thêm mạnh mẽ, cộng đồng yêu đuối càng thêm yêu đuối. Nó như một vòng luẩn quẩn không lỗi thoát và xung đột xảy ra, nó gây ra đau khổ cho cả hai cộng đồng. Thật đáng sợ nếu một đám đông liều lĩnh được dẫn đầu bởi những kẻ khôn ngoan. Rồi sau biệt bao đau khổ người ta không nhận thấy ánh mặt trời như trong sách vẫn nói, họ làm lại cuộc đời, sửa chữa sai lầm. Nhưng có phải đã quá muộn!?

Bài viết lấy tựa đề một bộ phim nhưng không hề bình luận phim. Đơn giản là xem lại phim mà vẫn thấy nó quá hay, cảm hứng dâng trào liên tưởng đến quá khứ, hiện tại và “dòng chảy” thời sự nóng bỏng. Dù gần như không nói gì về bộ phim nhưng tác giả vẫn khẳng định rằng đây là một bộ phim rất rất hay, những gì tác giả viết chỉ là những thứ nhỏ bé nhàm chán trong vô vàn những cái hay ho khác của bộ phim. Tiếp tục đọc

Fight Club (1999)

Đây là một bộ phim tâm lý – hành động gây kích động nhất mà tôi từng xem. Bộ phim là câu chuyện dài dòng, luẩn quẩn, tăm tối, khó hiểu và có cái kết cực kỳ bất ngờ. Hầu hết thời gian của bộ phim bạn sẽ được thấy những cảnh đánh đấm cực kỳ tàn bạo, phá hoại tài sản công cộng, cuộc sống bẩn thỉu của những nhân vật chính. Nếu như ở Việt Nam thì chắc chắn rằng muôn đời bộ phim này sẽ không được ra rạp. Nhưng như tôi đã nói ở trên Fight Club là một bộ phim khó hiểu, phải đến những phút cuối của bộ phim thì mọi thứ mới sáng tỏ, lúc đó bạn mới vỡ òa với ý nghĩa của nó. Ẩn dấu đằng sau những hình ảnh đó là sự phê phán gay gắt xã hội hiện đại, guồng quay của xã hội dường như cuốn người ta đi quá nhanh khiến họ quên mất những giá trị đích thực của cuộc sống. Như nhân vật Tyler Durden (do Brad Pitt thủ vai) đã nói : You’re not your job. You’re not how much money you have in the bank. You’re not the car you drive. You’re not the contents of your wallet. You’re not your fucking khakis. You’re the all-singing, all-dancing crap of the world.

Sự bế tắc của xã hội đã lên tới đỉnh điểm, không chỉ giới trẻ không tìm thấy lối đi riêng mà cả những người thành công cũng cảm thấy bí bách trong cuộc sống và công việc của họ. Đó chính là lý do mà Fight Club ra đời, ở đó con người ta có thể bộc lộ hết bản chất của mình, bản chất của sự tàn bạo. Ở đó họ đấu tranh với một thứ đáng sợ, mạnh mẽ nhất và tàn bạo nhất, đó chính là bản thân mỗi con người. Tiếp tục đọc