A Clockwork Orange (1971)

A Clockwork Orange là bộ phim gây ra rất nhiều sự tranh cãi trong dư luận tại thời điểm nó ra đời. Chính đạo diễn tài ba Stanley Kubrick đã can thiệp không cho phép bộ phim của mình được phát hành tại Anh cho đến khi ông qua đời. Đến năm 2000 thì người ta mới xuất bản bộ phim ở dạng DVD ra công chúng. Điều gì đã khiến Stanley Kubrick “đày đọa” đứa con của mình như vậy?. Bộ phim đầy rẫy những cảnh hiếp dâm, bạo lực đẫm máu, hành động hoang dại không theo bất cứ chuẩn mực nào cả, nó cứ thể diễn ra để thỏa mãn bản năng tối tăm của con người. A Clockwork Orange không dành cho những ai dưới 20 tuổi và cũng không dành cho những ai quá già.

Thời lượng của bộ phim kéo dài suốt hơn 2 tiếng đồng hồ nhưng người xem chỉ có thể cảm nhận cái hay của nó ở 45 phút cuối cùng. Có thể dễ dàng nhận thấy bộ phim đề cập đến vấn đề nhân quả khi nhân vật chính Alex, trong những năm tháng khờ dại, sung sức của mình đã gieo biết bao đau khổ lên kẻ khác, không một chút ăn năn hối hận, thậm chí cậu ta không thể phân biệt được phải trái đúng sai. Gieo nhân ác thì gặp quả đắng, không chỉ chịu bản án của pháp luật mà Alex còn phải chịu đựng bản án của cuộc đời.

Nếu chỉ là Nhân và Quả thì A Clockwork Orange đâu có gì đặc biệt. Nếu nhìn đơn thuần ở góc nhìn của Alex thì nó đúng là Nhân – Quả, nhưng nếu nhìn rộng ra ở góc nhìn khác rộng hơn thì nó chỉ là sự trả thù, mày đánh tao thì tao đánh lại.

A Clockwork Orange 2

Sự trả thù của pháp luật, đó là góc nhìn rộng hơn của tôi khi xem bộ phim này.

Mức án Tử hình là án phạt cao nhất dành cho kẻ nào vi phạm pháp luật hình sự. Ở Việt Nam, hình phạt tử hình vẫn còn được áp dụng vì theo quan điểm của các nhà làm luật thì hình phạt này cần được duy trì để đảm bảo trật tự xã hội và loại bỏ những cá nhân không còn khả năng cải tạo. Còn về phía những cá nhân phản đối, họ có rất nhiều lập luận, một trong những lập luận đáng chú ý nhất là Tử hình suy cho cùng cũng chỉ là một hành động trả thù, nó thỏa mãn những con người đang căm phẫn. Lúc này tôi tự hỏi: Ai là người tốt, ai là kẻ xấu đây? Có một số trích dẫn hay mà tôi muốn các bạn đọc:

Chúng ta không thể rao giảng rằng “giết người là sai” bằng cách giết người. (Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ)

Lấy đi một mạng sống, khi mà một mạng sống khác đã mất đi rồi, là sự trả thù chứ không phải công lý (Tổng Giám mục Desmond Tutu)

Nếu một kẻ không có khả năng cải tạo thì chúng ta hoàn hoàn có khả năng cách ly kẻ đó ra khỏi xã hội bằng án tù chung thân thay vì giao trọng trách giết người vào tay một vài chiến sĩ (khi thực hiện xử bắn) hay một vài bác sĩ nào đó (khi tiêm thuốc độc), đáng ra chiến sĩ phải đi bảo vệ nhân dân còn bác sĩ có nghĩa vụ cứu người. Có một thứ được gọi là giết người nhân danh pháp luật.

Nếu muốn đảm bảo trật tự xã hội thì cần phải sửa ở cái gốc là giáo dục chứ không phải đi xử lý hậu quả khi nó xảy ra.

Đối với án phạt nhẹ hơn là xử tù, ở mỗi quốc gia việc xử tù có những mục đích khác nhau: Cách ly khỏi xã hội – trừng phạt – giáo dục, cách ly khỏi xã hội – giáo dục – trừng phạt, hoặc chỉ là cách ly và giáo dục thôi.

Hầu hết mọi xã hội đều có mục đích cách ly kẻ phạm tội khỏi xã hội để bảo vệ những người lương thiện. Án phạt xử tử đã không còn tồn tại ở các nước Bắc Âu bởi suy nghĩ hình phạt này chỉ làm xã hội xấu đi, nó khiến con người có tâm lý trả thù thay vì khoan dung và cứu giúp kẻ mắc lỗi. Án phạt tù ở các nước này cũng được cho là nhân văn khi việc giáo dục những người lầm lỡ luôn được đặt lên hàng đầu, điều kiện ăn uống sinh hoạt đầy đủ, được giải trí trong một không gian cách ly nhưng không tù túng, họ tìm hiểu tâm lý phạm nhân để biết họ nghĩ gì, muốn gì, từ đó hướng thiện họ. Cũng vì mục đích phạt tù nhân đạo đó mà tỷ lệ tái phạm ở các nước này thấp hơn những nước khác. Những người mãn hạn tù không tiếp tục phạm pháp vì họ hiểu rằng việc làm đó là sai chứ không phải là vì sợ sự trừng phạt của nhà nước hay của xã hội.

Sẽ có những lúc bạn thương cảm cho số phận của kẻ lầm lỡ ấy nhưng đừng vì vẻ bên ngoài đánh lừa bạn. Có những kẻ luôn luôn xấu xa, lúc nào cũng vậy, không phải là hắn không giám phản kháng mà là vì không thể phản kháng, người ta đánh hắn bởi vì hắn không thể đánh lại. Một con người không thể hành động theo lý trí mà bị cưỡng bức như một cỗ máy. Tiếp tục đọc

Rocky (1976)

Rocky là một con người đáng mến, nhưng chẳng có tài cán gì ngoài sức vóc, đó cũng là nguồn vốn lớn nhất của anh để kiếm ăn.

Đi đến đâu anh cũng được đám thanh niên đường phố chào hỏi, quấn quít với  những con thú nuôi. Đi đòi nợ thuê thì nhẹ nhàng tử tế, đấm bốc cũng lừ đừ như là sợ làm người ta đau vậy, mâu thuẫn với người khác cũng chẳng bao giờ to tiếng. Lạ thật! Thế nên anh mới được một cô gái hiền lành đem lòng yêu.

Nhìn anh ta to xác nhưng nói chuyện, đi lại như một đứa nhóc 8 – 9 tuổi. Chẳng biết tán gái, nghĩ gì nói đấy, lúc nào trong túi cũng có một quả bóng cao su, vừa đi vừa tâng, làm hoài mà chẳng biết chán, thỉnh thoảng lại cầm một cây gậy quơ quơ như thể chẳng có gì trong tay thì ngứa ngáy vậy. Hèn chi mà mãi chẳng khá lên được. Ừ, thế mà nhiều kẻ thông mình khác có cố mãi cũng chẳng bằng anh.

Người ta dễ dàng lắng nghe những điều mà anh nói vì nó không văn hoa, thẳng thừng, đơn giản và xuất phát từ đáy lòng. Chẳng ai có thế chấp nhặt nếu anh có lỡ lời, ừ thì Rocky đâu có ý đó vì anh ấy là một con người tử tế mà. Thế lỡ có ai hiểu lầm rồi chửi lại anh thì sao? Rocky cũng chẳng chấp, mọi buồn phiền cứ như một cơn gió nhẹ thoảng qua vậy – Bản chất của anh là như vậy. Rocky tốt đến nỗi kẻ xấu cũng muốn đối tốt với anh ấy

Tôi thích nhìn Rocky khi yêu. Với người anh ấy yêu, anh ấy có thể nói hoài, nói hoài, nói hoài; chỉ trong một thời gian ngắn mà nói được biết bao nhiêu chuyện. Còn người anh ấy yêu thì có thể nghe hoài, nghe hoài, nói chỉ vài câu thôi nhưng có thể khơi gợi được biết bao nhiêu chủ đề trong anh. Dù không biểu hiện nhiều cảm xúc nhưng tôi biết cô ấy đang lắng nghe rất chăm chú câu chuyện của một đứa trẻ to xác.

“Tôi nghĩ chúng ta là một cặp dở tệ, tôi ngốc, cô e thẹn” – Ôi trời ơi, chẳng có ai nói thế trong cuộc hẹ đầu tiên cả, trừ Rocky.

“Tại sao anh lại muốn trở thành võ sĩ”?

“Vì tôi ngốc, không thể nhảy và cũng không biết hát”

🙂 Ôi Rocky! Anh dễ thương quá chừng.

Nhiều lúc tôi phải nghĩ lại, anh ấy biết tán gái ấy chứ. Cái cần nhất chỉ là tấm lòng mà thôi, ai yêu bạn thực sự sẽ hiểu điều đó.

Cũng nhiều lúc tôi phải nghĩ lại, anh ấy tài năng đấy chứ. Anh ấy biết mình không thông minh, thế là anh ấy đầu tư cho sức vóc. Anh ấy hiểu anh ấy có gì trong khi nhiều người thông mình khác chẳng biết mình có cái gì. Rocky như một khối thuốc nổ, thứ cần đến bây giờ chỉ là một ngòi nổ nhỏ xíu để thúc đẩy anh ấy.

Trong trận đấu trong mơ cũng không thể thấy, anh ấy vẫn bước đi bình thản, hiền lành, bắt tay những người hâm mộ, xoa đầu một đứa trẻ, người ta chỉ dành cho anh vài dòng miêu tả ngắn ngủi không như cách mà người ta ca ngợi địch thủ màu mè, xa hoa, lộng lẫy mà ai cũng biết đến kia.

Adrian…Adrian…Adrian…Adrian…Adrian…Adrian…! Không phải giải thưởng mà là Adrian.

Tôi sẽ không nói nhiều để dành phần còn lại cho các bạn, hãy tự cảm nhận nó.

Nếu bạn thích Taxi Driver tôi tin là bạn cũng sẽ thích Rocky Tiếp tục đọc

Taxi Driver (1976)

Mỗi bài viết tôi đều có cách thể hiện khác nhau bởi cảm xúc của mỗi bộ phim mang lại cho tôi đều khác nhau, lúc êm đềm lúc dữ dội cũng có đôi lúc cảm xúc lộn xộn rối tung lên nhưng tất cả đều tụ lại một điểm chung là tôi thích chúng.

Taxi Driver là bộ phim kể về một giai đoạn trong cuộc đời của một cựu thủy quân lục chiến Mỹ. Sau cuộc chiến tranh Việt Nam, Travis Bickle trở về quê hương với lương tâm trong sạch và cả bộ dạng của kẻ chán trường, căm ghét xã hội. Luôn bị mất ngủ khiến tâm trạng của hắn càng trở nên tiêu cực hơn. Travis quyết định trở thành một tài xế taxi làm việc vào ban đêm, một công việc hoàn hảo với tình trạng mất ngủ của Travis và cũng khiến tâm trạng của hắn càng ngày càng bộc lỗ rõ sự tiêu cực. Hằng ngày chứng kiến những kẻ nghiện rượu thất thểu, trộm cắp, gái điếm, rác rưởi của xã hội, hắn muốn có một cơn mưa thật lớn để gội sạch những thứ bẩn thỉu đó.  Càng chứng kiến tâm trạng xấu đi của Travis người ta càng cảm thấy lo ngại về một điều khủng khiếp nào đó sẽ sảy ra.

taxi driver

Rõ ràng là hắn bị hoang tưởng, trang bị đủ thứ vũ khí quanh người rồi tự sướng trước gương, tưởng tượng ra đủ thứ, hắn tin rằng hắn là một kẻ mạnh mẽ, một người hùng. Hắn tự trao cho hắn quyền bảo vệ người khác, trừ khử những kẻ cặn bã của xã hội, hắn chính là cơn mưa mà thành phố này cần tới. Cuối cùng thì hắn cũng thỏa mãn được cái man rợ trong con người hắn, đầy dã man, máu me nhưng trúng đích.

Nhưng dù có khùng điên như thế nào nhưng hắn vẫn là một kẻ đặc biệt bên cạnh những kẻ có vẻ ngoài sạch sẽ và bình thường, chúng làm tốt công việc của chúng, lo cho chính bản thân chúng và không làm hại ai khác, như thế đã là tốt lắm rồi. Có thể bắt mắt với cái nhìn ban đầu nhưng thực ra lại rất chóng chán.

Đoạn gần cuối đầy ám ảnh với câu nói I kill you, I kill you, I kill you,… lặp đi lặp lại, cuộc vật lộn, lê lết trong máu me khắc sâu vào tâm trí người xem. Nhưng khi tổng kết lại cả bộ phim thì người xem nhận được một cái kết có hậu, cảm giác thật thoải mái như khi người ta đang căng thẳng mệt mỏi cả thân thể lẫn trí óc lại được đặt mình trên một cái nệm êm ái mát mẻ. Tiếp tục đọc

The Sting (1973)

Trước đây, khi kỹ sảo vi tính chưa phát triển, thậm chí chưa có thì một bộ phim được coi là hay thì phải có kịch bản thật chất, diễn xuất phải thực sự hay hoặc có những điểm đặc biệt, những nét đột phá trong phong cách làm phim. Hãy quên Ocean’s Eleven, Inside Man hay  The Usual Suspects đi và xem phim ở một hệ quy chiếu khác. Trở về với năm 1930, lúc đó chẳng có máy tính, chẳng có di động, ô tô thì toàn là hàng đời đầu, điện thoại bàn cổ lỗ sĩ và chỉ có súng ống là thứ vật dụng hấp dẫn nhất lúc bấy giờ. The Sting có điểm IMDB là 8,4/10 và cũng chẳng phải mất nhiều thời gian, chỉ cần vài phút đầu bộ phim nó đã khiến bạn hào hứng, rạo rực trong lòng vì tin rằng đây chắc chắn là một bộ phim hấp dẫn. Còn tôi, ngoài điều đó ra thì tôi còn có một suy nghĩ thú vị trong đầu là tác giả kịch bản bộ phim này trước đây là một siêu lừa hoặc là bị lừa quá nhiều rồi. 🙂

Nó nhìn như vậy nhưng thực sự không phải như vậy! Bạn lừa được người khác nhưng cũng sẽ có một ngày bạn bị người khác lừa. Nếu muốn thành công thì hãy chuyên tâm vào nó, đặc biệt khi nó mang lại một lợi nhuận khổng lồ. Và hãy cắt lời khi đã thấy đủ.

The Sting là một bộ phim giải trí, đúng vậy! Nhưng nó thừa hay để vượt qua tầm của một bộ phim bình thường để chễm chệ trong top 100 bộ phim hay nhất theo thang điểm IMDB, giành được 7 giải Oscar trong năm 1974. Ngày nay, khi mà cả thế giới cho ra hàng chục những bộ phim bom tấn mỗi năm, để xem hết chúng cũng đủ “khổ” rồi thì chẳng mấy ai có thời gian để lục lại quá khứ, tìm về những bộ phim xưa cũ. Một bộ phim cổ không phải là một bộ phim đen trắng, ngay cả những năm 1990-2000 người ta vẫn làm những bộ phim này mà. Phim ảnh là một cách thức để người ta phản ánh xã hội, mà xã hội thì thay đổi nhanh lắm, 5-7 năm thôi mà người ta cũng thấy khác lắm rồi huống chi là mấy chục năm. Cái năm 1973 ấy thì chắc cha mẹ bạn vẫn chưa ra đời hoặc là vẫn còn đang cởi chuồng tắm mưa, ai lớn một chút thì ra đồng gieo mạ, gặt lúa rồi. Cái thế hệ bây giờ khác với thế hệ trước đó, không hiểu về những giá trị xưa cũ và cũng không thích tìm về nó. Nhiều người không thích xem những bộ phim cũ một phần vì không hiểu và một phần không thích tìm hiểu, không thích thay đổi hệ quy chiếu để nhìn nhận một sự việc diễn ra ở một thời gian xa khác.

Nhưng xưa cũ không có nghĩa là lỗi thời, The Sting vẫn vững vàng bên cạnh những tác phẩm hiện đại có nghĩa là nó trong nó chứa đựng những giá trị cốt lõi không bao giờ thay đổi. Đừng để dấu mốc thời gian đánh lừa bạn, làm nản lòng bạn! Hãy men theo những giá trị cốt lõi đó, gạt qua những khác biệt tiểu tiết và thưởng thức một tác phẩm điện ảnh tuyệt vời.

Giống như những bộ phim về tội phạm lừa đảo khác, The Sting đã sử dụng tốt những tiểu xảo nhưng chúng ở tầm cao hơn và nhiều hơn, đó chính là những tiểu xảo tâm lý, không phải, nói là nghệ thuật thì chính xác hơn, và những người sử dụng thành thạo môn nghệ thuật đó chính là những bậc thầy. Cái khó của những bộ phim ở thể loại này chính là sự khó tính của khán giả, không như những bộ phim giả tưởng thì khán giả có thể dễ dàng cho qua những tình tiết không hợp lý. Khán giả có xu hướng thích đi sâu, phân tích, sâu chuỗi các tình huống lại với nhau, đồng thời so sánh với thực tế rằng liệu nó có thể sảy ra ngoài đời thực hay không? Khi xem bộ phim này tôi vẫn thấy có những tình tiết khó mà sảy ra trong thực tế, đặc biệt là tâm lý của con người rất kho phán đoán để ứng phó nhưng đôi khi sự việc lại diễn ra khá dễ dàng. Nhưng khi nhìn về tổng thể thì tôi thích sự logic của các sự kiện với nhau, những tiểu tiết có thể dễ dàng bỏ qua vậy nên tôi coi đây là một bộ phim rất đáng xem. Tiếp tục đọc

Annie Hall (1977)

Lâu lâu cũng nên viết một bài nào đó hơi khác một chút, không đi theo xu hướng chung của xã hội, tạo nên một đặc điểm, cá tính riêng biệt cho nó mới lạ, nổi bật. Lần này là Annie Hall, bộ phim sản xuất năm 1977, một tác phẩm của vị đạo diễn tài ba Woody Allen và người đẹp (dù giờ đã lớn tuổi) Diane Keaton.

Lý do tôi xem Annie Hall là vì  Diane Keaton và vì điểm IMDB của nó lên tới 8,2/10 lận, khá là cao. Nhưng chỉ mới vài phút đầu thì tôi bắt đầu nghĩ rằng chắc đây là một lựa chọn sai lầm, bộ phim này nó điên điên làm sao ấy!!! Hai diễn viên đang nói chuyện ngon lành thì bỗng dưng Alvy Singer do Woody Allen thủ vai quay sang nói chuyện với cái máy quay – tức là khán giả, hay chặn một vài người đi đường hỏi những câu tào lao!?! Ực! Thế mà lạ thay vẫn nhận được những câu trả lời tử tế. Thậm chí tính cách của hai diễn viên chính cũng điên điên khùng khùng với những thói quen và hành động kỳ quặc.

Nhưng cuối cùng! Đến khi hết bộ phim thì tôi lại đâm ra thích nó, hơi bị khó hiểu? Chắc vì tôi đôi khi cũng điên điên khùng khùng giống như những nhân vật trong Annie Hall vậy. Một bộ phim điên khùng nhưng thực ra lại rất đời thường, bất cứ ai cũng đều có thể thấy một góc nhỏ nào đó của mình trong tính cách của hai nhân vật chính Annie Hall và Alvy Singer. Nó là sự xung đột giữa các mối quan hệ, giữa mong muốn chiếm đoạt và khả năng chiếm đoạt. Hai con người yêu nhau nhưng tính cách lại hoàn toàn khác nhau, sự khác biệt đó vẫn mang lại nụ cười nhưng đó chỉ là góc nhỏ của những xung đột khó có thể giải quyết.

Bằng cách kể chuyện rất khác lạ nhưng không kém phần tinh tế, đạo diễn Woody Allen mang đến cho chúng ta một chuyện tình nhẹ nhàng nhưng lại không ít sóng gió, không dữ dội nhưng dai dẳng. Alvy Singer là một diễn viên hài, ông khá thành công trong lĩnh vực của mình, được người khác yêu thích. Nhưng đằng sau đó là một con người có cái nhìn khá cực đoan với cuộc sống. Một kẻ hoạt ngôn, thích châm biếm, chê bai người khác mà lại đi yêu Annie Hall, một phụ nữ chẳng ít tuổi có tính tình khá trẻ con. Chính vì sự xung khắc đó mà suốt cả bộ phim là những tranh cãi căng thẳng lẫn hài hước, hợp rồi lại tan, tan rồi lại hợp. Muốn xem bộ phim này thì người xem phải có sự kiên nhẫn, thích phim tâm lý, thỉnh thoảng bị khùng điên và từng trải một chút ít.

Tính chẳng viết về bộ phim này đâu vì thấy khó tìm được câu chữ nào thích hợp dành cho nó, thế mà bỗng dưng tối ngủ không được, giở cái máy tính ra viết vài dòng linh tinh, lủng củng. Biết là vậy nhưng chẳng có sửa làm gì, để nó vậy cho hợp với bộ phim.

Mà lúc này chẳng biết cho nó vào mục nào nữa, xem nào, thấy cũng khá thực tế, cho vào mục cuộc sống, có tình tiết hài hước thì cho vào phim hài, mà cũng thấy nó cũng khá là tâm lý đó chứ.

P/S: Bộ phim cũng có cái kết rất đáng nhớ,  tôi thấy tiếc nuối nhưng lại rất dễ dàng chấp nhận nó. Lạ! Còn bạn nào đã xem phim này rồi, cảm nhận về nó như thế nào thì để lại nơi đây một vài dấu chân nhé. 🙂

Thêm một chút thông tin về bộ phim này để nó hấp dẫn hơn một chút :). Annie Hall đứng thứ 31 trong Top 100 bộ phim của Viện Mỹ, bộ phim giành được 4 giải Oscar, bộ trang phục theo phong cách menswear do Annie Hall mặc nằm trong Top 10 bộ trang phục được yêu thích nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới do tạp chí Time bình chọn. Tiếp tục đọc

The Exorcist (1973)

Bạn đã bao giờ cầu cơ chưa? Hồi nhỏ tôi cũng từng đi xem cầu cơ, đám bạn trong xóm rủ nhau đi cầu cơ gần môt nhà xác. Tôi cũng đi cùng chúng nó, một phần là tò mò, một phần là do muốn chứng tỏ mình không phải là một thằng nhát gan. Không biết cầu cơ có đúng cách không hay là việc ma ám khi cầu cơ chỉ là chuyện bịa mà chẳng thấy có gì sảy ra cả. ỰC. 😦

The Exorcist là bộ phim kinh dị có thể khiến bạn run lẩy bẩy, chính tôi khi xem bộ phim cũng cảm thấy ớn lạnh vì những âm thanh và hình ảnh rùng rợn trong bộ phim. Sau khi xem phim xong tôi cảm thấy rất bị kích động và muốn tìm hiểu về bộ phim này. The Exorcist dựa trên một câu chuyện có thật về một bé gái bị ma ám, có 9 người của đoàn làm phim và người thân của họ bị chết trong quá trình làm phim; William O’Malley – một diễn viên phụ trong bộ phim chính là một linh mục, không hiểu tại sao đạo diễn lại mời một linh mục đóng phim này!? Chắc là để trừ tà :-). Tiếp tục đọc

The Godfather

Nếu bạn biết về trang web http://www.imdb.com/ và bảng xếp hạng những bộ phim hay nhất của nó thì tôi tin rằng bạn sẽ biết đến 3 phần của bộ phim “The godfather”. Nội dung của 3 phần này xoay quanh cuộc sống của Don Michael Corleone từ một thanh niên, một anh hùng dân tộc thành một trùm mafia khét tiếng. Trong con người Don Michael Corleone luôn dạt dào tình yêu dành cho gia đình, nhưng chính tình yêu đó lại khiến biến anh trở thành kẻ xấu rồi nhẫn tâm sát hại cả người thân trong gia đình của mình.

Khi xem hết phần 1 của bộ phim này, tôi đã rất háo hức down tiếp phần 2 và phần 3 ngay lập tức. Hiện nay bộ phim này vẫn còn lưu trữ trong máy tính của tôi, thỉnh thoảng tôi vẫn xem lại nó, mỗi lần xem lại tôi vẫn không thấy nó kém hấp dẫn, thậm chí còn thấy nó chứa đựng rất nhiều ý nghĩa mà chỉ với một lần xem thì không thể cảm nhận hết được. Tiếp tục đọc