Charlie Chaplin

Vừa mới trải qua hai kỳ thi để lấy 2 chứng chỉ, chưa bao giờ thấy sự học nó dễ dàng đến như thế vì tất cả những gì mình thi thì đều đã học qua n lần rồi, vừa thi vừa giỡn cũng qua. Một tuần quá nhẹ nhàng trong khi cơn bão số 1 của năm 2015 đang diễn ra, giờ thì nó đang đi vào Quảng Ninh thì phải. Ở nơi đây mưa sụt sùi 2 ngày cứ như ông trời bị cảm cúm. Thê thảm!

Đang trong tiến trình khôi phục những file bị mất trên MEGA, nhìn chung thì những thứ quan trọng nhất đang trở về, cảm thấy nhẹ nhõm một chút. Thời gian còn lại sẽ bước từng bước một từ tốn và thoải mái, không cần khuôn khổ, không cần hạn chót.

Nãy giờ toàn là những chia sẻ vớ vẩn cho dù đây hoàn toàn là một bài viết chia sẻ về phim ảnh. Sau đây cũng sẽ không có chút bình luận sâu sắc nào, thậm chí tôi còn không muốn viết nhiều về nó. Tại sao lại như vậy? Đây là một Topic chia sẻ phim của vua hề Charlie Chaplin.

Hầu hết những tác phẩm của Charlie Chaplin đều là những bộ phim câm, ai xem cũng hiều, ai xem cũng cười dù không cần một câu thoại nào cả. Tại sao lại có những bộ phim huyền diệu như vậy? Khó có thể giải thích cặn kẽ được. Nhưng tôi biết một điều rằng tôi sẽ tự biến mình thành một kẻ vô duyên khi cố gắng kể về về những bộ phim câm của ông. Thật hài hước khi người ta chẳng cần nói gì mà ai ai cũng hiểu, còn mình thì lại cố dùng từ ngữ để giải thích thứ mà người ta đã hiểu rồi.

Charles Chaplin Tiếp tục đọc

The Sting (1973)

Trước đây, khi kỹ sảo vi tính chưa phát triển, thậm chí chưa có thì một bộ phim được coi là hay thì phải có kịch bản thật chất, diễn xuất phải thực sự hay hoặc có những điểm đặc biệt, những nét đột phá trong phong cách làm phim. Hãy quên Ocean’s Eleven, Inside Man hay  The Usual Suspects đi và xem phim ở một hệ quy chiếu khác. Trở về với năm 1930, lúc đó chẳng có máy tính, chẳng có di động, ô tô thì toàn là hàng đời đầu, điện thoại bàn cổ lỗ sĩ và chỉ có súng ống là thứ vật dụng hấp dẫn nhất lúc bấy giờ. The Sting có điểm IMDB là 8,4/10 và cũng chẳng phải mất nhiều thời gian, chỉ cần vài phút đầu bộ phim nó đã khiến bạn hào hứng, rạo rực trong lòng vì tin rằng đây chắc chắn là một bộ phim hấp dẫn. Còn tôi, ngoài điều đó ra thì tôi còn có một suy nghĩ thú vị trong đầu là tác giả kịch bản bộ phim này trước đây là một siêu lừa hoặc là bị lừa quá nhiều rồi. 🙂

Nó nhìn như vậy nhưng thực sự không phải như vậy! Bạn lừa được người khác nhưng cũng sẽ có một ngày bạn bị người khác lừa. Nếu muốn thành công thì hãy chuyên tâm vào nó, đặc biệt khi nó mang lại một lợi nhuận khổng lồ. Và hãy cắt lời khi đã thấy đủ.

The Sting là một bộ phim giải trí, đúng vậy! Nhưng nó thừa hay để vượt qua tầm của một bộ phim bình thường để chễm chệ trong top 100 bộ phim hay nhất theo thang điểm IMDB, giành được 7 giải Oscar trong năm 1974. Ngày nay, khi mà cả thế giới cho ra hàng chục những bộ phim bom tấn mỗi năm, để xem hết chúng cũng đủ “khổ” rồi thì chẳng mấy ai có thời gian để lục lại quá khứ, tìm về những bộ phim xưa cũ. Một bộ phim cổ không phải là một bộ phim đen trắng, ngay cả những năm 1990-2000 người ta vẫn làm những bộ phim này mà. Phim ảnh là một cách thức để người ta phản ánh xã hội, mà xã hội thì thay đổi nhanh lắm, 5-7 năm thôi mà người ta cũng thấy khác lắm rồi huống chi là mấy chục năm. Cái năm 1973 ấy thì chắc cha mẹ bạn vẫn chưa ra đời hoặc là vẫn còn đang cởi chuồng tắm mưa, ai lớn một chút thì ra đồng gieo mạ, gặt lúa rồi. Cái thế hệ bây giờ khác với thế hệ trước đó, không hiểu về những giá trị xưa cũ và cũng không thích tìm về nó. Nhiều người không thích xem những bộ phim cũ một phần vì không hiểu và một phần không thích tìm hiểu, không thích thay đổi hệ quy chiếu để nhìn nhận một sự việc diễn ra ở một thời gian xa khác.

Nhưng xưa cũ không có nghĩa là lỗi thời, The Sting vẫn vững vàng bên cạnh những tác phẩm hiện đại có nghĩa là nó trong nó chứa đựng những giá trị cốt lõi không bao giờ thay đổi. Đừng để dấu mốc thời gian đánh lừa bạn, làm nản lòng bạn! Hãy men theo những giá trị cốt lõi đó, gạt qua những khác biệt tiểu tiết và thưởng thức một tác phẩm điện ảnh tuyệt vời.

Giống như những bộ phim về tội phạm lừa đảo khác, The Sting đã sử dụng tốt những tiểu xảo nhưng chúng ở tầm cao hơn và nhiều hơn, đó chính là những tiểu xảo tâm lý, không phải, nói là nghệ thuật thì chính xác hơn, và những người sử dụng thành thạo môn nghệ thuật đó chính là những bậc thầy. Cái khó của những bộ phim ở thể loại này chính là sự khó tính của khán giả, không như những bộ phim giả tưởng thì khán giả có thể dễ dàng cho qua những tình tiết không hợp lý. Khán giả có xu hướng thích đi sâu, phân tích, sâu chuỗi các tình huống lại với nhau, đồng thời so sánh với thực tế rằng liệu nó có thể sảy ra ngoài đời thực hay không? Khi xem bộ phim này tôi vẫn thấy có những tình tiết khó mà sảy ra trong thực tế, đặc biệt là tâm lý của con người rất kho phán đoán để ứng phó nhưng đôi khi sự việc lại diễn ra khá dễ dàng. Nhưng khi nhìn về tổng thể thì tôi thích sự logic của các sự kiện với nhau, những tiểu tiết có thể dễ dàng bỏ qua vậy nên tôi coi đây là một bộ phim rất đáng xem. Tiếp tục đọc

Ran (1985)

Nhật Bản – đất nước mặt trời mọc. Khi nhắc tới đất nước này người ta thường nghỉ tới một cường quốc về kinh tế, về những tập đoàn và những loại hàng hóa chất lượng. Nhưng vặn hóa, con người và lịch sử xa xưa của Nhật Bản luôn là điều bí ẩn đối với người nước ngoài. Bạn có thể quen mắt với những bộ Kimono truyền thống, từng thưởng thức món ăn sushi nổi tiếng hay bạn là một Fan của thể loại Manga nhưng những nét đặc trưng về tính cách của người Nhật sẽ luôn khiến bạn phải tò mò.

Nền công nghiệp giải trí của Nhật Bản sẽ không sánh bằng với mức độ ảnh của làn sóng hallyu đến từ Hàn Quốc nhưng chắc chắn rằng số lượng những tác phẩm điện ảnh kinh điển không hề thua kém đất nước này. Về phim hoạt hình của Nhật Bản thì không còn gì để tranh cãi, không chỉ có số lượng tác phẩm đồ sộ mà còn là những tuyệt tác đến từ  sự tỉ mỉ trong tính cách người Nhật. Nhưng có vẻ sức mạnh của truyền thông và đã khiến người xem quá chú ý vào sự thịnh vượng của phim hoạt hình mà không biết rằng điện ảnh Nhật Bản đã có chỗ đứng trên thế giới từ những năm 50-60 của thế kỷ trước. Khi nhắc tới thời kỳ này người ta không thể không nhắc tới những tác phẩm kinh điển như  Rashomon, Seven Samurai và Yojimbo của vị đạo diễn tài ba Akira Kurosawa. Chúng không chỉ nổi tiếng về nội dung và ý nghĩa truyền tải mà còn về những sáng tạo, đột phá trong cách làm phim, chúng truyền cảm hứng cho thế hệ đạo diễn sau này ở cả phương Đông và Phương Tây.Ran (1985)

Hôm nay tôi xin giới thiệu với các bạn một bộ phim nữa của vị hoàng đến điện ảnh này, đó chính là Ran được sản xuất vào năm 1985.

Bộ phim này chính là cuộc sống, một cuộc sống khắc nghiệt và tàn nhẫn không chỉ dành cho những kẻ tàn ác mà nó còn xảy ra đối với những con người lương thiện. Ran không dành cho những người yêu thích truyện cổ tích, bộ phim có một cái kết bất ngờ xót xa, những tưởng mọi đau thương chấm dứt từ đây, rạn nứt được hàn gắn, kẻ xấu bị kết liễu, người tốt cũng được đền đáp sau bao nhiêu khó khăn cực nhọc. Nhưng không!

Tôi coi Ran là một bộ phim bi kịch nhưng nó không hề để lại trong tôi một chút phẫn uất nào mà chỉ toàn là xót xa. Tại sao họ lại làm như vậy! Là cha con, vợ chồng, anh em nhưng dường như mối quan hệ giữa họ chỉ là sợi chỉ mong manh dễ dàng bị cắt đứt bởi con dao sắc bén được tạo nên bởi sự mù quáng, lòng tham và những mối căm hận. Trong bộ phim chất chứa đầy rẫy nỗi sợ hãi tột cùng của vị đại lãnh chúa Hidetora Ichimonji. Suốt cả thời sung mãn ông đã chinh chiến khắp nơi, chinh phục nhiều mảnh đất và để lại đau thương và sợ hãi cho những người khác. Rồi khi về già, sức tàn lực kiệt thì những nỗi sợ hãi đó trở về với ông, nó vắt kiệt mọi sức mạnh, sự tỉnh táo của vị chúa tể hung tàn. Giờ đây ngay cả một giấc mơ, tiếng sao ai oán và cái tên của đứa con trai út mà Hidetora nỡ chối bỏ cũng khiến ông hoảng loạn. Tiếp tục đọc

Roman Holiday (1953)

Sau khi giới thiệu bộ phim To kill a mockingbird đến với các bạn thì tôi chợt nhớ đến nữ  diễn viên xinh đẹp  – một diễn viên huyền thoại, biểu tượng của sắc đẹp mà đến bây giờ cả thế giới vẫn còn ngưỡng mộ. Trước đây tôi đã từng nói cô là một trong những diễn viên mà tôi rất hâm mộ nhưng cho đến hiện tại chỉ mới có một bộ phim của diễn viên xinh đẹp này xuất hiện trên https://heomephim.wordpress.com/, đó thực sự là một thiếu sót to lớn. Và hôm nay, tôi quyết định sửa sai bằng cách giới thiệu với các bạn bộ phim của cô mà tôi yêu thích nhất – và cũng được nhiều Fan film yêu thích; đó chính là Roman Holiday.

Bộ phim giống như một câu chuyện cổ tích không có hậu giữa cô công chúa xinh đẹp Ann và anh nhà báo nghèo Joe Bradley.

Ann một cô công chúa xinh đẹp gánh trên mình trọng trách to lớn đối với đất nước, cô giống như một sứ giả, đi đến bất cứ nơi đâu cô cũng được sự  chào đón của người dân và cả cánh nhà báo. Phải sống trong khuôn khổ với những chuẩn mực phải tuân theo luôn khiến cô công chúa nhỏ bức bối, trong một đến nọ, Ann quyết định lẻn ra ngoài chơi một mình để khám phá miền đất lạ Rome.

Đây giống như một chuyến phiêu lưu không định trước, Ann ngủ quên ngoài hè phố và được chàng nhà báo Joe Bradley tìm thấy. Giấc ngủ quá sâu khiến cô không thể tỉnh táo để tự mình tìm đường, Joe quyết định đưa cô công chúa nhỏ về nhà của anh.

Đến sáng hôm sau, Joe mới biết Ann là cô công chúa đang khiến cả triều đính sốt sắng tìm kiếm. Anh đã nhanh trí lợi dụng cơ hội này để khai thác các thông tin từ công chúa để viết một bài báo với nhuận bút khổng lồ. Anh “tự nguyện” đưa Ann đi thăm thú khắm Rome. Ann thú vị và bất ngờ khi được khám phá ra thế giới mà nàng chưa từng biết đến còn chàng phóng viên trẻ vốn ham mê những bài báo hơn tất thảy bỗng cảm thấy trái tim mình rung động… Tiếp tục đọc

Singin’ in the Rain (1952)

Hát trong mưa – chỉ nghe cái tên thôi cũng đủ thấy thơ mộng rồi, không chỉ có thế đây còn là một bộ phim nhạc kịch tuyệt vời với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa vũ đạo với ca từ trong bài hát. Tôi đã xem bộ phim này từ rất lâu rồi, và tôi yêu nó đến mức đến bây giờ tôi vẫn chưa xóa nó khỏi máy tính của mình.

Hoàn hảo – đó là từ ngữ mà tôi dành để miêu tả Singin’ in the Rain. Vậy thì cần phải dài dòng làm gì nữa, nếu bạn là một Fan của thể loại phim nhạc kịch thì đừng đợi chờ mà hãy tải nó về máy ngay bây giờ để thưởng thức.

Clip cắt ra từ bộ phim

Tiếp tục đọc

To kill a mockingbird (1962)

Tôi rất thích những bộ phim cổ, không phải vì chúng hay hơn những bộ phim hiện nay mà bởi vì chúng thật, rất thật. Thật từ những cảnh quay, những tình tiết cho đến diễn xuất của diễn viên. Khi xem chúng tôi có cảm giác như một câu chuyện hoặc một cuộc sống thật của ai đó được ghi lại bằng môn nghệ thuật thứ 7 vậy. Và những bộ phim này, một khi chúng tồn tại đến ngày nay và được khán giả yêu thích thì chắc chắn đó sẽ là một tác phẩm hay và ý nghĩa.

Khi xem To kill a mockingbird tôi có rất nhiều liên tưởng đến các tác phẩm khác nhau. Giống như Psycho, đạo diễn của bộ phim đã không chọn sản xuất một bộ phim màu nhưng điều đó không hề làm giảm giá trị của nó. Hay như Gone With The Wind, bộ phim cũng chuyển thể từ một tác phẩm cùng tên. Đưa một cuốn tiểu thuyết lên màn ảnh luôn là một thử thách đối với bất kỳ đạo diễn nào, đặc biệt khi tác phẩm đó đã quá nổi tiếng thì khán giả sẽ càng khắt khe hơn. Và cho đến nay bộ phim To kill a mockingbird cùng với cuốn sách cùng tên vẫn luôn được hàng triệu khán giả yêu thích.

Có quá nhiều ý nghĩa được truyền tải đến với người xem trong một bộ phim có thời lượng hai tiếng đồng hồ: nạn phân biệt chủng tộc, sự sai lầm của con người khi đánh giá người khác qua bề ngoài, cuộc sống luôn đầy rẫy bất công… Nhưng trên hết, thứ mà tôi yêu thích hơn cả là những bài học quý giá mà cô bé Scout học từ người cha Atticus Finch – một luật sư, một người cha luôn nói chuyện với con gái với tư cách một người bạn, ông dạy cho con gái mình cách nhìn cuộc sống bằng con mắt bao dung và công bằng.

Giống như  cuốn truyện cùng tên, bộ phim được thể hiện dưới cách nhìn của một đứa trẻ 6 tuổi – sống bản năng và thiếu kinh nghiệm. Nhưng cách nhìn của cô bé lại khiến người lớn phải thán phục, một cái nhìn ngây thơ, trong sáng và không định kiến. Tiếp tục đọc

Seven samurai (1954)

Trước đây tôi đã có dịp giới thiệu với các bạn về bộ phim The Good, the Bad and the Ugly, một bộ phim về cao bồi miền tây với thời lượng gần 3 tiếng. Hôm nay tôi sẽ giới thiệu với các bạn một bộ phim còn khủng hơn thế nữa, 3 tiếng rưỡi (201 phút), đó chính là Seven Samurai – một bộ phim của Hoàng đế điện ảnh Nhật Bản Akira Kurosawa.

Akira Kurosawa

Nếu bạn là một Fan film đích thực tôi tin rằng bạn sẽ biết đến những tác phẩm của vị đạo diễn nổi danh thế giới này. Akira Kurosawa có tới 6 bộ phim có điểm IMDB từ 8.1 trở lên – có nghĩa là những bộ phim này đều nằm trong danh sách 100 bộ phim vĩ đại nhất của IMDB, thật đáng ngưỡng mộ. Ông đã mất vào năm 1998, bộ phim nổi danh cuối cùng của ông sản xuất vào năm 1985, những bộ phim khác đều sản xuất vào những năm 1950 và 1960, cách đây hơn nửa thế kỉ, nhưng ông vẫn là một tượng đài để các đạo diễn hiện nay học hỏi, không chỉ về ý nghĩa trong những bộ phim mà còn là cách mà ông truyền tải chúng đến với người xem.

Seven samurai là bộ phim được rất nhiều người yêu thích và ngưỡng mộ, là tác phẩm hay nhất của Akira Kurosawa. Bộ phim tái diễn lại trận đánh giữa 7 vị Samurai cùng dân làng chống lại một toán cướp cả trăm tên với trang bị súng ống đầy đủ. 7 vị Samurai chỉ mới được tập hợp trong thời gian ngắn, trẻ có, già có, và có cả những Samurai nửa vời. Còn dân làng thì nhu nhược, đã bao đời qua họ đã quen với việc bị cướp bóc, họ quen cầm cái quốc cái xẻng hơn là cầm gươm cầm giáo. Một trận chiến giữa châu chấu và voi!.

Trận chiến này khiến tôi nghĩ đến cuộc chiến tranh giữa quân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ. Các Samurai cùng dân làng đã tận dụng tất cả các lợi thế về địa hình, sử dụng cách đánh du kích, nghi binh và đánh úp cực kỳ hiệu quả. Thay vì bẻ cả bó đũa họ quyết định tách nhỏ sức mạnh quân địch để bẻ từng chiếc đũa. Tiếp tục đọc

The kid (1921)

Đây là bộ phim hài đầu tiên khiến tôi rớt nước mắt! Thật không ngoa một chút nào khi nói rằng Charles Chaplin là vua hề, cho đến tận bây giờ, có lẽ vẫn chưa có ai có thể vượt qua được cái bóng vỹ đại của ông ấy. The kid là một tác phẩm kinh điển đầu tiên ghi dấu ấn của vua hề trong vai anh chàng lang thang, không nghề nghiệp ổn định nhưng lại đầy tình thương người.

Khi xem phim của Charles, khán giả không chỉ được thỏa mãn bởi những tràng cười vô tận mà còn cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc được gửi gắm sau mỗi tiếng cười đó. Charles Chaplin khiến tôi liên tưởng đến Hoài Linh, một nghệ sĩ tài ba của Việt Nam. Tiếp tục đọc

Gone With The Wind (1939)

Có hai thể loại phim mà tôi khá kiệm lời khi giới thiệu về nó, một là thể loại phim giải trí đơn thuần nên không có nhiều thứ để giới thiệu và loại còn lại là những tác phẩm điện ảnh kinh điển của thế giới. Đối với loại phim thứ 2 này tôi cảm thấy bối rối trong việc dùng từ ngữ nào để có thể thể hiện hầu hết những khía cạnh có trong bộ phim. Có lẽ đối với những tác phẩm điện ảnh kinh điển thì từ ngữ để miêu tả chúng trở nên vô dụng; và cũng vì một phần là tôi cảm thấy thiếu tự tin khi nói về những tác phẩm này. Trong nó chứa đựng quá nhiêu ý nghĩa và triết lý trong cuộc sống mà chỉ với một lần xem thì không thể cảm nhận hết được, và đương nhiên chỉ trong một Topic ngắn ngủi thì cũng không thể diễn tả hết được.

Tiếp tục đọc

Breakfast at Tiffany’s (1961)

Audrey Hepburn là một diễn viên mà tôi rất hâm mộ, cô có một khuôn mặt và thân hình mơ ước của nhiều phụ nữ. Cô đóng không nhiều phim nhưng hầu hết chúng đều là những bộ phim tình cảm nhẹ nhàng, rất thích hợp cho những cặp đôi vào buổi tối chủ nhật.

Một trong những bộ phim đó là Breakfast at Tiffany’s; bộ phim kể về Holly Golightly, một cô gái nhà quê nhưng lại muốn sống một cuộc sống sang trọng ở thành phố. Cô không có nghề nghiệp, số tiền cô có được để trang trải cuộc sống là từ những đại gia hào phóng – họ sẵn sàng ném tiền qua cửa sổ để có được cô. Có lẽ cuộc sống của Holly Golightly sẽ mãi như vậy nếu không gặp Paul Varjak, một nhà văn “nghèo khổ” nhưng lại có một cuộc sống xa hoa nhờ vào nét điển trai của mình :-). Hai con người cùng cảnh ngộ đã này gặp nhau, đồng cảm với nhau và bù đắp cho nhau những thiếu sót trong cuộc sống.

Tiếp tục đọc

Casablanca (1942)

Có những bộ phim sau khi xem xong tôi sẽ xóa nó, có những bộ phim tôi sẽ mãi lưu trong máy tính của mình – Casablanca là một trong những bộ phim đó. Thời gian không bao giờ làm nhạt nhòa giá trị của những tác phẩm kinh điển. Có vẻ như những bộ phim kinh điển này có những điều mà những bộ phim ngày nay không làm được, những bộ phim ngày nay có vẻ như bị sự áp đảo của kỹ xảo, công nghệ làm lu mờ sự diễn xuất của diễn viên – bây giờ người ta thích nói đến từ “Bom tấn” hơn so với từ “kinh điển” thì phải.

Sự trau chuốt trong từng chi tiết của bộ phim, trong từng câu nói, từng diễn xuất khiến người xem không bao giờ quên được nó. Casablanca đưa người xem vào câu chuyện tình trái ngang nhưng không kém phần lãng mạn giữa ba con người: Rick Blaine ông chủ một quầy rượu, Victor Laszlo một chiến sĩ cách mạng và  Ilsa Lund một cô gái xinh đẹp bị kẹt giữa tình yêu với Rick và trách nhiệm với Victor

Tiếp tục đọc

The Good, the Bad and the Ugly (1966)

The Good, the Bad and the Ugly (người tốt kẻ xấu và tên vô lại) là bộ phim đầu tiên của Clint Eastwood mà tôi xem, từ đó tôi đã hâm mộ diễn viên này và tìm những tác phầm của ông để xem.

Bộ phim lấy bối cảnh trong cuộc nội chiến Mỹ, ba nhân vật chính Tuco, Blondie và Angel Eyes (đại diện cho tên vô lại, người tốt và kẻ xấu) cùng đi tìm một kho vàng của chính phủ được chính phủ chôn giấu trong một nghĩa trang. Nhưng không ai trong số họ biết được chính xác vị trí của kho vàng, mỗi người chỉ nắm giữ một phần bí mật và để tìm được nó thì Người tốt, Kẻ xấu và Tên vô lại phải hợp tác với nhau

Tiếp tục đọc