Birdman (2014)

Ngồi xem phim mà mồm mép căng hết cỡ, mặc dù chẳng cười sằng sặc ra tiếng nhưng mà suốt cả bộ phim cơ hàm cứ gồng lên rồi giữ nguyên trạng thái như vậy, xem xong mà đơ hết cả, đưa tay lên nhấn nhấn nắn lại cái xương hàm. Mẹ kiếp! Bộ phim này hay điên vãi.

Phải dùng ngôn ngữ bá đạo mới có thể viết về Birdman được.

Xem phim và xem kịch!

Có thể cùng là một đám đông, ngồi trong một khán phòng có những hàng ghế song song nhưng cảm giác hoàn toàn khác nhau. Đều là những thứ được sắp đặt sẵn nhưng kịch rất thực và cũng rất ngẫu hứng, bạn có thể nghe thấy những âm thanh hỗn tạp, tiếng thở, thậm chí ngửi thấy, chạm vào được người diễn, hay điên hơn một chút chính bạn – một khán giả cũng có thể thay đổi một vở kịch. Hôm nào đó đi xem kịch, cầm theo cái dùi cui, trong lúc vở kịch đang diễn ra ngon lành thì bạn xông lên sân khấu, chĩa nó về phía diễn viên, chửi té tát, rồi đòi lôi thằng đạo diễn ra đập thử coi. Cảm giác sẽ vô cùng thật cho coi! Còn với một bộ phim thì chắc bạn chỉ đập được cái màn hình mà thôi.

Diễn kịch phải thật sự khéo léo và ngẫu hứng, nó chỉ được chuẩn bị sẵn tất cả mọi thứ ở trong đầu, chỉ trong đầu mà thôi, nên những thứ trời ơi đất hỡi có thể xảy ra bất cứ lúc nào, tiếng micro rít lên, rớt mất bộ tóc giả, đèn cháy, té trên sân khấu, hoặc một thằng khán giả điên điên nào đó nữa. Khán giả luôn luôn nhìn, lắng nghe và cảm nhận, ngay cả những lúc chuyển cảnh, đèn tắt, tấm rèm đen được kéo ra, đằng sau nó là biết bao nhiều người rộn rã, gấp gáp sắp đặt sân khấu, những tiếng chân, tiếng bánh xe lăn, tiếng nói chuyện hoàn toàn nằm ngoài kịch bản có thể lọt xuống chỗ khán giả. Trên một không gian nhỏ bé có thể đặt cả một New York, một Paris vào đó, hay đặt cả hai vào cũng được, một nửa là New York một nửa là Paris, hai thành phố đó được nối với nhau bởi một đường dây điện thoại, hai diễn viên mỗi người mỗi nơi nói chuyện với nhau qua đường dây điện thoại đó mà trên thực tế chỉ cần liếc mắt qua một cái là nhìn thấy nhau rồi. Thật khôi hài nhưng người ta dễ dàng chấp nhận nó và coi đó là điều hiển nhiên.

Birdman

Birdman là một sự nhầm lẫn điên rồ của tôi, lúc mới nghe đến cái tên đó , xem cái poster, điểm IMDB cứ nghĩ nó là một sản phẩm lạ lẫm của Marvel nữa, mà sao nó xuất hiện cái rụp mà ở Việt Nam chẳng có chút quảng cáo hoành tráng để đưa đường. Thực sự nó là một bộ phim hay nhưng không phù hợp với đa số người Việt, không phải vì nó khó hiểu mà vì cách thể hiện của nó quá khác lạ kể cả với Hollywood và cách cảm nhận của đa số người Việt Nam cũng không giống với khán giả ở nước khác. Nó giống như khiếu hài hước của Mỹ với Châu Âu, hay của miền Nam với miền Bắc Việt Nam vậy. Đặc biệt nữa khi mà cách thể hiện của bộ phim cũng phá cách, cá nhân tôi chưa gặp nó ở đâu cả.

Những cảnh quay liền mạch, không có điểm đứt quãng, giống như người ta bê cả một sân khấu kịch lên màn ảnh vậy. CHẮC THẰNG QUAY PHIM KHỔ LẮM ĐÂY! “Phải đuổi theo diễn viên cho kịp những cảnh quay, khi họ bước qua một phòng khác cũng có nghĩa là một cảnh quay mới bắt đầu nhưng có vẻ như máy quay không tắt mà cứ chạy mãi, ghi lại tất cả những thứ phù phiếm , những tạp âm như của một sân khấu kịch, kể cả khi màn đêm buông xuống cũng không ngừng nghỉ, máy quay vẫn chạy, đợi thời gian trôi qua và lia sang một góc quay mới.” 🙂

Cái sân khấu và cả hậu trường đó như một bức tranh lớn được chắp vá từ những mảnh ghép nhỏ được cắt xé từ những bức tranh khác, từ ngoài đời thực, xào xáo nó lên, đảo đảo liên tay rồi sắp xếp một cách ngẫu hứng. Thực chất những diễn viên đang diễn lại những mảnh ghép được lây từ những bộ phim trước đây họ từng tham gia, hay là đem chính cả một phần cuộc sống thực tế của họ vào trong phim.

Michael Keaton, người thủ vai Riggan. Anh là ai? Đó chính là anh chứ còn ai nữa. Anh là Riggan và Riggan cũng là anh. Sau hào quang và đỉnh cao là bên kia con dốc, anh đang trượt xuống, anh không thể níu giữ thân thể này nhưng anh có thể để tâm trí bay bổng, vượt ta khỏi những kiểm soát tầm thường và bay tới những đỉnh núi mới.

Naomi Watts vẫn xinh đẹp và nồng nàn, những nếp nhăn đã xuất hiện nhưng những đường nét cơ bản của khuôn mặt thanh tú xưa kia vẫn còn. Khi xem Birdman người ta lại nhớ đến cô trong những bộ phim trước, một Naomi Watts đầy say đắm với những nụ hôn đồng giới. Một bản sao khác của Betty trong Mulholland Dr.

Edward Norton, không phải là một cái tên, nó còn là một thương hiệu đảm bảo cho những bộ phim mà anh tham gia luôn cháy vé. Anh chỉ cần bước vào bộ phim này như chính anh, người ta tạo ra nhân vật này chắc cũng là hình ảnh của anh ngoài đời. Việc còn lại của ảnh chỉ cần bê mấy cái điên điên khùng khùng, bất cần đời mà anh đã từng thể hiện trong American History X và Fight Club.

Emma Stone, diễn viên mà tôi yêu thích, nói thật với các bạn là tôi đã quá quen với cách diễn xuất của cô ấy rồi. Một cô gái cá tính, đầy tự tin. Bao nhiêu bộ phim vẫn vậy, đôi mắt to tròn đầy tự tin ấy luôn nhìn thẳng vào người khác khi nói chuyện, sẵn sàng bùng nổ, mỗi khi tức giận là xổ ra một tràng ào ạt như lũ cuốn làm cho người đối diện đứng hình, không thể phán kháng. Xem mà thấy đã.

Thế đấy, cảm xúc dạt dào mà ngôn từ có hạn, viết dài viết dai thành ra viết dại nên chỉ viết những cảm xúc nổi bật nhất. Bạn nào đã xem phim này mà có cảm nhận khác mình không?

Link: Birdman

birdman 2

Một suy nghĩ 8 thoughts on “Birdman (2014)

    • Cảm ơn cô đã gợi ý, cháu cực thích nam diễn viên này luôn. 🙂 Bộ phim cô gợi ý cháu vẫn chưa xem, mà hình như là phim tình cảm thì phải, phải xem mới được, góc nhìn khác về diễn xuất của Edward Norton. Cũng có diễn viên Naomi Watts mà cháu thích luôn. Hihi

      Đã thích bởi 1 người

      • Tôi cũng không ngời Ed Norton đóng nhiều phim như thế. Tôi sẽ lần theo wikipedia để xem thêm phim của anh này. Gần đây nhất tôi xem The Moonrise Kingdom và the Grand Budapest Hotel. Cô con gái út của tôi rất thích phim và cũng thích cách diễn xuất của tài tử này. Tôi học nhiều cái về văn hóa Hoa Kỳ theo mắt nhìn của con tôi, để hiểu thêm tư tưởng của giới trẻ. The Painted Veil không thuần là phim tình cảm, tôi xem nó vì có một đoạn liên quan đến dịch (interpret) sai, và cũng vì có Phillip Hoffman đóng. The Painted Veil chứa nhiều thứ cảm xúc, từ yêu thương đến thù hằn đến tha thứ đến vị tha. Plot của phim cũng khá tinh vi, cộng thêm văn hóa của người ngoại quốc. Tôi xem phim rồi đi tìm quyển sách để đọc vì tôi thấy cốt truyện hay và có nhiều câu quotes hay.

        Thích

        • Cháu tải The Moonrise Kingdom từ lâu lắm rồi nhưng sau đó máy tính hỏng ổ đĩa, mất rất nhiều phim, kể cả bộ phim này vẫn chưa xem được nó. Lần này cô nhắc mới nhớ tới nó. Ôi nhiều phim quá, Thôi xem từ từ chứ bội thực xem mất hay.
          Grand Budapest Hotel cháu đã xem rồi, thực sự là chẳng hiểu gì cả cô ạ, chỉ thấy đã con mắt thôi. Để nó trong máy rồi lúc nào xem lại vậy. 🙂
          Cháu rất thích những bộ phim được chuyển thể từ văn học, The Painted Veil chứa nhiều thứ tình cảm như thế thì chắc khiến người xem rối tung cảm xúc nhưng lại thấy rất đã!

          Thích

Bình luận về bài viết này